Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư còn khá mới với nhà đầu tư Việt Nam, tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây trái phiếu được nhiều người quan tâm hơn bởi lãi suất khá hấp dẫn.
Nếu bạn đang có ý định đầu tư vào thị trường tiềm năng này thì những kiến thức cơ bản, ngắn gọn dưới đây mà mình chia sẻ giúp bạn có quyết định đầu tư đúng đắn khi đầu tư trái phiếu.
Tổng quan trái phiếu doanh nghiệp
Trước hết cần phân biệt: Cổ phiếu và trái phiếu.
- Cổ phiếu: thể hiện bạn đang sở hữu cổ phần của một doanh nghiệp và được hưởng những quyền lợi riêng khi là cổ đông như: hưởng cổ tức; quyền biểu quyết các hoạt động của công ty… Hiểu đơn giản bạn nắm giữ cổ phiếu tức bạn đang góp vốn làm ăn chung.
- Trái phiếu: thể hiện bạn đang cho tổ chức phát hành trái phiếu vay mượn tiền và được hưởng quyền lợi là hưởng lãi suất cố định theo từng kỳ hạn. Hiểu đơn giản bạn đang nắm trái phiếu tức bạn là chủ nợ và chỉ ăn lãi suất.
Trái phiếu có 2 nhiều loại chính: trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.
Đọc thêm: Trái phiếu là gì? Hướng dẫn đầu tư
Lưu ý 1: Tổ chức phát hành là ai?
Khi các doanh nghiệp lớn cần vay tiền cho một dự án nào đó hay mở rộng quy mô sản xuất trong một khoảng thời gian dài thì họ sẽ lựa chọn phương án phát hành trái phiếu.
Vậy bạn nên quan tâm những điểm sau của tổ chức phát hành:
- Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp: bạn buộc phải đánh giá được uy tín của doanh nghiệp mà bạn dự tính “cho vay” đó như thế nào?
- Dòng tiền trả lãi : Bạn được trả lãi theo quý/ năm nên phải xác định được “Tiền đâu doanh nghiệp trả cho mình”
- Lĩnh vực hoạt động: Bạn cũng nên biết rõ doanh nghiệp đó hoạt động trong ngành nghề nào? Có còn tiềm năng không? Ưu tiên ngành nghề đang phát triển tốt, bền vững trên thị trường.
Lưu ý 2: Loại hình trái phiếu doanh nghiệp
Có nhiều cách để phân loại trái phiếu công ty
Trong bài viết này, chúng ta đang tìm hiểu trái phiếu doanh nghiệp nên chỉ nên phân biệt theo loại trái phiếu có tài sản thế chấp đảm bảo và trái phiếu trơn (tức không có tài sản đảm bảo).
- Trái phiếu có tài sản đảm bảo: Đương nhiên sẽ tốt hơn vì doanh nghiệp đã thế chấp khoản vay của mình bằng tài sản (như tài sản bất động sản, nhà xưởng, nhà máy, thế chấp cổ phiếu…). Nếu có rủi ro công ty phá sản thì quyền lợi của bạn sẽ được đảm bảo bởi những tài sản này. Ngược lại lãi suất sẽ thấp hơn.
- Trái phiếu trơn: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu dựa trên uy tín, thường lãi suất sẽ cao hơn so với loại TP có tài sản đảm bảo.
Vậy nên mua trái phiếu có TSĐB hay Trái phiếu trơn?
Theo kinh nghiệm của mình thì nó sẽ đánh giá dựa trên nhiều yếu tố khác và phụ thuộc vào nhu cầu của bạn.
Nếu bạn chỉ quan tâm lãi suất thì bạn chỉ cần quan tâm lãi và chú ý đến uy tín doanh nghiệp phát hành là ai. Nếu là những doanh nghiệp rất lớn, có lịch sử hoạt động lâu năm và bạn mua kỳ hạn ngắn (tầm 6 tháng-1 năm) thì bạn có thể chọn loại trái phiếu trơn có lãi suất cao.
Ngược lại bạn muốn đảm bảo an toàn thì chọn loại TP có tài sản đảm bảo.
Đọc thêm: Mua trái phiếu doanh nghiệp ở đâu an toàn?
Lưu ý 3: Mục đích phát hành trái phiếu
Tất cả các doanh nghiệp khi tiến hành phương án phát hành trái phiếu ra công chúng đều có mục đích sử dụng vốn vay (giống như bạn vay ngân hàng đều phải chứng minh mục đích vay).
Những trái chủ (người mua trái phiếu) cần phải quan tâm đến mục đích này bởi nó thể hiện được công ty đó huy động vốn nhằm mục đích chính phục vụ cho hoạt động kinh doanh hay nhằm mục đích khác.
Ví dụ: một công ty bất động sản phát hành trái phiếu để xây dựng cho giai đoạn 2 dự án nào đó thì ít nhất bạn cũng phải biết đến dự án đang xây dựng đó, tiến độ ra sao để biết là công ty nó có thật, làm thật, sử dụng tiền đúng mục đích hay chỉ là một bánh vẽ, huy động vốn rồi làm việc khác. Điều này rất rủi ro.
Lưu ý 3: Điều khoản mua lại trái phiếu
Có 2 loại hình trái phiếu với điều khoản mua lại:
- Tổ chức phát hành mua lại trái phiếu ở một thời điểm nhất định: Nếu có điều khoản này thì sẽ có lợi cho bạn vì có thể tất toán sớm các khoản đầu tư.
- Tổ chức trung gian phân phối cam kết mua lại: Một số trung gian phân phối như công ty chứng khoán sẽ đứng ra cam kết mua lại để cho thị trường trái phiếu trở nên sôi động giao dịch mua bán.
Hay nói cách khác là tính thanh khoản của trái phiếu cao thường sẽ thu hút nhà đầu tư hơn.
Với những nhà đầu tư thường xuyên cần đến tiền có thể lựa chọn những trái phiếu có đặc tính mua lại này sẽ giúp bạn xử lý thanh khoản nhanh hơn.
Lưu ý 4: Điều khoản chuyển đổi trái phiếu doanh nghiệp
Chuyển đổi trái phiếu có nghĩa trái phiếu có thể được chuyển đổi thành cổ phần của cổ phiếu phổ thông vào một thời điểm được xác định trước trong tương lai.
Loại này thường lãi suất sẽ cố định, tương đối thấp hơn các loại trái phiếu thường
Nhưng trái chủ sẽ có cơ hội được hưởng thêm lợi nhuận khi chuyển đổi sang cổ phiếu đang tăng giá.
Nó giống với việc chỉ mua một trái phiếu nhưng hưởng quyền lợi (ăn lãi suất cố định) và quyền chọn mua cổ phiếu ở tương lai. Nếu đến thời điểm đó cổ phiếu tăng giá thì bạn sẽ chuyển đổi còn nếu giá cổ phiếu giảm thì bạn hoàn toàn có quyền bỏ quyền chuyển đổi.
Lưu ý 5: Lợi tức và kỳ hạn trả lãi
Chắc chắn lợi tức trái phiếu doanh nghiệp là điều ai cũng quan tâm.
Lãi cao hay thấp đều có những ưu và nhược điểm nhất định phụ thuộc vào doanh nghiệp và các điều khoản nên lời khuyên dành cho bạn:
- Kỳ hạn trả lãi 6 tháng/ lần sẽ tối ưu: Thứ nhất là tối ưu về lãi suất (kỳ hạn ngắn thường lãi sẽ thấp hơn một chút) và cả thời gian nhận tiền.
- Nên mua kỳ hạn trung bình (tối thiếu 12 tháng) để có ưu đãi về lãi suất. Kỳ hạn quá ngắn thì lãi sẽ thấp, kỳ hạn quá dài sẽ rủi ro về thanh khoản khi bạn có kế hoạch hay cơ hội khác hấp dẫn hơn trong tương lai.
Đầu tư trái phiếu là lựa chọn dành cho những nhà đầu tư đang muốn kiếm lợi nhuận cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn, không biến động.
Đây cũng là kênh đầu tư phù hợp cho những thời điểm thị trường chứng khoán biến động mạnh, bước vào chu kỳ suy thoái (2018-2019).
Với những bạn muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư thì trái phiếu là một lựa chọn không nên thiếu trong portfolio của mình.
Hy vọng 5 lưu ý cơ bản trên về trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin và có quyết định đầu tư hiệu quả.
Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên mua loại trái phiếu nào thì đừng ngại hãy gọi cho mình hoặc để lại câu hỏi ở bình luận bên dưới mình sẽ hướng dẫn bạn kỹ hơn nhé.