FPT có thể xem là một cổ phiếu tăng trưởng tốt và bền vững nhất trong vòng 2 năm (2018-2019) thị trường cực kỳ khó khăn và kể cả giai đoạn Covid vừa qua thì mình khẳng định là FPT.
Đây là 1 trong những cổ phiếu mà Phương đã nắm giữ và khá yêu thích trong nhiều năm qua bởi tiềm năng tăng trưởng của nó thể hiện qua tỷ suất sinh lợi vượt bậc so với các cổ phiếu đầu ngành.
Kết quả kinh doanh Quý 2/2019 của FPT tiếp tục thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp kinh tế suy giảm vì Covid.
Trước hết dành cho những bạn đang mới tìm hiểu về FPT mình cùng sơ lược qua những thông tin cơ bản về FPT nhé.
TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP
1. Sơ lược công ty
- FPT thành lập năm 1988 là công ty công nghệ số 1 Việt Nam và thuộc nhóm 500 công ty phần mềm lớn nhất thế giới.
- FPT cổ phần hóa năm 2002 và niêm yết trên HOSE vào năm 2006.
- Hiện FPT hoạt động trong 3 mảng chính: Công nghệ, viễn thông và giáo dục. FPT đã thoái vốn khỏi mảng phân phối bán lẻ cuối 2017
Tổng quan | Hose: FPT |
Ngành nghề kinh doanh | Công nghệ |
Vốn điều lệ (tỷ VND) | 7,835 tỷ |
Vốn hóa thị trường (tỷ VND) | 37,700 tỷ |
Tăng trưởng TTN 4 năm (%) | 13,1 % |
Tăng trưởng LNST 4 năm (%) | 17,1% |
ROE (2019) | 24,7% |
Tỷ suất cổ tức 2019 | 20% tiền và 15% cổ phiếu |
P/E Trailing (x) | 12 (x) |
2. Cơ cấu cổ đông
TÁC ĐỘNG CỦA COVID ĐẾN TỪNG NGÀNH NGHỀ
Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid ở Việt Nam đã kiểm soát rất tốt, các Doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại bình thường từ tháng 7 thế nhưng trên thế giới các quốc gia lớn như Mỹ, châu Âu vẫn đang diễn biến phức tạp.
Thị trường xuất khẩu phần mềm chính của FPT như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu… và khả năng các hợp đồng sẽ bị cắt giảm ảnh hưởng đến doanh thu trong ngắn hạn cho FPT.
1. Xuất khẩu phần mềm chậm lại trong bối cảnh dịch Covid trở lại
Trước hết chúng ta cùng đánh giá lại những thành tựu mà FPT đã và đang đạt được trong những năm qua:
- Đối tác chiến lược về công nghệ của General Electric, Siemens, Amazon Web Service, đối tác bạch kim của SAP, IBM, đối tác vàng của Oracle.
- TOP 100 Nhà cung cấp Dịch vụ ủy thác toàn cầu
- Hơn 550 khách hàng là các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 100 khách hàng trong danh sách Fortune 500.
- Làm việc với hơn 100 ngân hàng, 200 bênh viện trong và ngoài nước.
Doanh thu và LNTT của dịch vụ CNTT nước ngoài đạt 5.810 tỷ và 896 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,8% và 20,9%, biên LNTT tăng lên 15,4% so với 15,0% của năm 2019. Mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm hơn 50% so với cùng kỳ nhưng đây vẫn là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bênh leo thang trên toàn cầu.
Doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số đạt 1.773 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23% doanh thu Khối công nghệ, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ vào nhu cầu lớn đối với các công nghệ mới trong lĩnh vực số.
Trong bối cảnh dịch bệnh, FPT đã triển khai mô hình tiếp cận khách hàng qua các kênh trực tuyến, tổng giá trị hợp đồng kí mới trong nửa đầu năm nay vẫn tăng trưởng 16% so với cùng kỳ 2019.
Các thị trường chính của FPT đều ghi nhận mức tăng trưởng dương, cho thấy tín hiệu tích cực về tiềm năng tăng trưởng trở lại khi dịch bênh kết thúc.
Tuy là mảng XK phần mềm đang có xu hướng chậm lại do tình hình dịch nhưng khi dịch bệnh qua đi, kinh tế bắt đầu ổn định trở lại thì thị trường vẫn sẽ phải sử dụng các dịch vụ phần mềm, FPT lại có nhiều hợp đồng và khối lượng công việc dự đoán sẽ tăng lên nhiều.
Giai đoạn vừa qua, thị trường Nhật Bản tăng trưởng chậm lại do FPT thực hiện cơ cấu tập dự án IT theo hướng tập trung các dự án lớn và chủ động bỏ các dự án nhỏ. Do đó, FPT tin tưởng rằng thị trường Nhật Bản sẽ lấy lại đà tăng trưởng cao trong năm 2020.
Chưa kể, M&A Intellinet là tiền đề để FPT đi sâu vào mảng tư vấn, hoàn thiện chuỗi giá trị công nghệ, đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho các hợp đồng của tập đoàn. Mục tiêu chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong hoạt động của FPT trong tương lai, đóng góp 50% doanh số xuất khẩu phần mềm vào năm 2024.
2. Nhu cầu đầu tư CNTT trong nước giảm mạnh
Doanh thu và LNTT của mảng dịch vụ CNTT trong nước giảm lần lượt 15,5% và 36,8% do các ảnh hưởng từ dịch bệnh lên nhu cầu đầu tư của các khách hàng doanh nghiệp.
3. Khối viễn thông duy trì tăng trưởng ổn định
Dịch vụ viễn thông duy trì tăng trưởng ổn định, doanh thu và LNTT lần lượt đạt 5.217 tỷ và 833 tỷ, tăng trưởng 12,2% và 21,8%. Biên lợi nhuận tăng mạnh nhờ kiểm soát tốt chi phí vận hành.
Trái ngược với mảng viễn thông, mảng quảng cáo trực tuyến bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh tác động trực tiếp đến ngân sách quảng cáo của khách hàng doanh nghiệp. Doanh thu và LNTT dịch vụ quảng cáo trực tuyếnlần lượt đạt 221 tỷ và 105 tỷ, giảm 18,4% và 23,9%
Tuy nhiên cũng không phải là vấn đề kéo dài và nghiêm trọng ảnh hưởng đến doanh thu của FPT bởi với mảng nội dung số, FPT sở hữu báo điện tử Vnexpress có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam (gần 24 tỷ lượt).
Dư địa tăng trưởng mảng viễn thông còn nhiều:
- Tỷ lệ thuê bao băng thông rộng cố định chỉ mới đạt 50% (11.8 triệu thuê bao/ 26 triệu gia đình) trong khi thu nhập ngày càng cải thiện và các sản phẩm điện tử gia dụng ngày càng rẻ (Smart tivi, smart phone, vv..)
- Tỷ lệ thuê bao băng thông rộng cố định/ đầu người của VN còn thấp so với các nước có độ mở internet tương tự.
4. Hệ sinh thái giáo dục là lợi thế đặc biệt và đang phát triển
Tổng số học sinh khối giáo dục đạt xấp xỉ 50.000 học sinh, gấp 2 lần số lượng học sinh năm 2017, tăng 40% so với năm 2018. Đóng góp lợi nhuận từ mảng giáo dục chưa lớn nhưng là rất triển vọng trong tương lai.
Ngoài ra, với quy mô ngày càng lớn và mục tiêu tuyển khoảng 6,000 kỹ sư mỗi năm, FPT sẽ gặp khó khăn trong nguồn nhân lực và phải tốn nhiều chi phí hơn để giữ chân nhân tài.
Việc phát triển mảng giáo dục đến các thành phối nhỏ (như Quy Nhơn, Huế, vv…) và xây dựng các tổ hợp Công nghệ phần mềm bên cạnh các trường Đại học của mình sẽ giúp FPT huy động được nguồn nhân lực trẻ với chi phí thấp hơn.
Đặc biệt trong đợt dịch vừa qua, FPT đã chuyển dịch mô hình sang môi trường học trực tuyến nhanh chóng trong mùa dịch, đảm bảo hoạt động dạy và học cũng như tuyển sinh của toàn khối. Tổng số lượng học sinh hiện đạt 44.497, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ.
ĐỊNH GIÁ RẺ VÀ TRIỂN VỌNG KHẢ QUAN
Đơn vị: triệu VND | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Tích hợp, phần mềm &CNTT | 4,958,102 | 4,935,000 | 4,194,750 | 4,488,383 | 4,712,802 |
XKPM | 8,443,472 | 10,848,000 | 12,583,680 | 15,729,600 | 19,504,704 |
Nội dung số | 537,841 | 609,000 | 499,380 | 549,318 | 565,798 |
Viễn Thông | 8,293,162 | 9,789,000 | 11,355,240 | 12,717,869 | 14,498,370 |
Giáo dịch | 1,375,177 | 1,792,000 | 2,168,320 | 2,276,736 | 2,686,548 |
- Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid 19, giảm dự phóng tăng trưởng bình quân của FPT trong giai đoạn 2019 – 2022 với doanh thu từ 17.1% về 14.6%, LNST từ 20.5% về 17.4%.
- Doanh thu 2020 dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 10% trong khi LNST cho cổ đông công ty mẹ đạt mức tăng 13.5%. Tăng trưởng dự kiến sẽ quay trở lại mức bình thường năm 2021 với giả định dịch covid 19 đươc kiểm soát.
- EPS 2020 dự kiến 4,088đ, với mức giá 48,100 đồng, FPT được định giá PE khoảng 12 lần, PEG 0.7 lần, hấp dẫn trong dài hạn. Tuy nhiên, ngắn hạn kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2020 sẽ chưa khởi sắc trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu đang dần vượt quá tầm kiểm soát.
RỦI RO CHÍNH CỦA FPT
Chúng ta đã cùng nhau phân tích rõ tiềm năng tăng trưởng của từng mảng kinh doanh của FPT, dù vẫn còn dư địa tăng trưởng nhưng vẫn tồn tại rủi ro mà chúng ta khi muốn đánh giá DN không thể bỏ qua.
- Rủi ro canh tranh: Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong mảng gia công phần mềm chủ yếu nhờ nhân công rẻ. Việc giá nhân công ngày càng cao sẽ giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
- Rủi ro nhân sự: nhân sự luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động của FPT và F-soft mục tiêu phải tuyển từ 5000 – 6000 kỹ sư mỗi năm. Do vậy, FPT đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực để đáp ứng tăng trưởng. Nhưng với thương hiệu tốt cùng việc sở hữu một trường đai học chuyện đào tạo kỹ sư CNTT, lợi thế của FPT trong vấn đề nhân sự là rất lớn.
- Rủi ro chu kỳ: ảnh hưởng của dịch bênh Covid 19 nếu không được kiểm soát nhanh chóng, có thể tạo một cú sốc kinh tế làm các doanh nghiệp tạm dừng triển khai các dự án công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngắn hạn.
Đi xuyên suốt phân tích những tiềm năng cũng như rủi ro của FPT thì chắc hẳn bạn cũng đã hình dung ra được cơ hội đầu tư với cổ phiếu FPT trong dài hạn và ngắn hạn như thế nào.
Cùng tìm hiểu thêm FPT là loại cổ phiếu gì? nên đầu tư ngắn hay dài hạn
ĐỌc thêm: Tháp phân loại cổ phiếu
Tất cả những thông tin trên là do Phương nghiên cứu và tổng hợp và cũng không khuyến nghị mua hay bán gì với cổ phiếu này. Mọi quyết định đầu tư là do bạn và hy vọng rằng bạn sẽ có chiến lược phân bổ danh mục, quản trị rủi ro tốt để có được sự tăng trưởng tài sản trong tương lai.
Bài viết này nếu thật sự hữu ích với bạn thì hãy đừng ngại like và share để Phương còn có động lực làm tiếp nhé ^^
Chúc bạn đầu tư thành công!