Nhật ký đầu tư 2021: Trong cơn sóng thần 2021 của thị trường chứng khoán Việt Nam, ai cũng kiếm được cho mình những món lợi nhuận cao hơn kỳ vọng. Thế nhưng đó là nhờ vào kinh nghiệm, kỹ năng hay chỉ là sự may mắn nhất thời mà thị trường nó đãi cho chúng ta. Để biết được điều đó, ngày cuối năm hãy ngồi lại và ngẫm nghĩ xem năm qua được và mất như thế nào.
Hôm nay ngày đầu năm 1/1/2022 khi mọi người đi chơi, du lịch nghỉ ngơi sau 1 năm nhiều biến động thì Phương chọn ngồi viết lại những dòng nhật ký này để phân tích lại chính bản thân mình năm qua có thật sự làm tốt hay không?
Năm qua Phương đạt được tỷ suất sinh lợi là 160% (cao gấp 4 lần so với chỉ số VN-index). Con số này mình “tạm hài lòng” vì cao hơn mục tiêu duy trì trung bình 30%/năm mà mình đặt ra từ lúc tham gia TTCK.
Tuy nhiên nó không quá cao so với nhiều người khác mà các bạn biết trên thị trường.
Mình ” chưa hài lòng” chỉ đơn giản là vì mình thấy bản thân còn có thể làm tốt hơn thế nhiều lần nhưng vì một số lí do khiến mình chỉ đạt con số đó (Lí do gì chút mình phân tích bên dưới nhé)
Anyway, mình vẫn cảm thấy vui vì bản thân đã có sự phát triển rất nhiều so với năm ngoái cả về kiến thức, kinh nghiệm giao dịch và nhiều kỹ năng khác.
Đây mới chính là thứ khiến mình cảm thấy tự hào về bản thân nhiều nhất chứ không phải con số 160% hay quy ra bao nhiêu tiền (Dù mình thích tiền thật 😀 )
Sẽ có nhiều bài học từ những phi vụ đầu tư mà mình sẽ không bao giờ quên được và hôm nay mình sẽ viết mốt số deal đầu tư cơ bản được và mất theo những cách khác nhau và bài học đúc rút ra nhằm giúp mọi người hoàn thiện tốt hơn trong tương lai.
5 deal đầu tư win bởi những lý do sau:
# VND (CTCP Chứng khoán VNDIRECT)
Vâng đây chính là cổ phiếu của chính công ty mình đang làm việc trong 5 năm qua. Với VND mình ăn 3 vòng (từ 2020- nay) đều vào ngay trước thời điểm tăng giá mạnh ( Lần 1: Tháng 4-tháng 7 và Lần 2: Tháng 11- nay).
VND mình đầu tư không phải vì có thông tin nội bộ mà đơn giản với key thế này thôi:
- Số lượng nhà đầu tư mở mới tăng khủng khiếp kèm theo đó là thanh khoản tăng liên tục từ 15k tỷ/ phiên cho đến 40k tỷ/phiên thì chắc chắn dòng cổ phiếu chứng khoán hưởng lợi đầu tiên cho dù dịch bệnh kéo dài thì tiền càng đổ vào TTCK càng nhiều.
- Trong số các CTCK thì VNDIRECT phát triển mảng retail (khách hàng cá nhân) rất tốt, mở rộng thị phần liên tục
- Mình là 1 Vndirector và biết rõ thu nhập của bản thân cũng như TOP Broker trong công ty đang tăng trưởng thế nào. Đây là dấu hiệu để mình biết chắc công ty đang làm ăn ra sao?
Chính VND đã cho mình ăn 2 lần với tỷ suất sinh lợi 80% (bán trước ngày VND chia quyền tăng vốn 1:1) và lần 3 là 40% và vẫn tiếp tục giữ qua 2022 với kỳ vọng VN-index sẽ tăng lên đỉnh cao mới chính phục 1500-1700.
Bài học số 1: Lựa chọn cổ phiếu nhóm leader đang có dòng tiền kỳ vọng lớn tương lai và nắm giữ lâu dài cho đến khi “hết kỳ vọng” hoặc thị trường bước vào giai đoạn giảm giá.
# DGC (CTCP Hóa Chất Đức Giang)
Bắt đầu mua vào 22/7/2021 với giá 85k/cp và bán ra giá 146k/cp với tỷ suất sinh lợi bình quân 50% (vì trong quá trình đi lên mình còn mua thêm cho đến 110k/cp thì ngưng mua vì thế giá vốn sẽ tăng).
DGC có sự tăng trưởng rất tốt từ 2020 nhưng mình không tham gia và chỉ chú ý sau khi BCTC quý 2 của DGC công bố kết quả khá tốt ( LNST tăng trưởng 26% so cùng kỳ). Nhưng với kết quả này thấp hơn kỳ vọng nhà đầu tư vì thế DGC có sự giảm giá ngay sau đó.
Thời điểm đó DGC đã có kế hoạch tăng trưởng rất tốt cho 2 quý cuối năm và mình kỳ vọng rằng ban lãnh đạo DGC sẽ đạt kế hoạch với tư duy tốt từ người kế nhiệm mới của DGC.
Nhưng điểm chính yếu mình quyết định mua vào chính là giá Photpho ở Trung Quốc đã tăng gấp 2 kể từ đầu tháng 7 cho đến tháng 9 do chính sách của Trung Quốc giảm cấm xuất khẩu phân bón làm cho giá phân bón thế giới leo thang. Yếu tố này sẽ tác động tích cực đến DGC cho Quý 3, 4
Còn nhiều yếu tố khác thế nhưng để viết hết thì thật mất thời gian :))
Thêm nữa là vào giai đoạn đó thị trường giảm rất khó đầu tư và dòng tiền đã tìm đến nhóm cổ phiếu phân bón (có kết quả kinh doanh đột biến) và kỳ vọng tốt cho Quý 3,4.
Với 2 yếu tố từ kỳ vọng tương lai và dòng tiền mạnh mẽ thì DGC đã tăng giá hơn 80% chỉ trong vòng chưa tới 2 tháng. DGC mình đã bán giá 146k/cp vì định giá tới đó, cho dù sau đó cổ phiếu còn tăng tiếp nhưng do cổ phiếu nằm ngoài vùng định giá, hiểu biết của mình nên mình sẽ bán).
Bài học số 2:
- Trong nguy có cơ, hãy luôn tìm kiếm cơ hội trong mọi hoàn cảnh. Đừng rơi bỏ thị trường chỉ vì chỉ số VN-index giảm (chúng ta đầu tư cổ phiếu, ko phải đầu tư chỉ số).
- Lựa chọn cổ phiếu thuộc nhóm thu hút dòng tiền mạnh mẽ nhất và có kỳ vọng thật (dựa vào con số doanh thu/lợi nhuận) và hãy bán nó khi cổ phiếu về tới định giá.
#HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát)
Mình nắm giữ HPG từ 2020 sang đến Tháng 7/2021 mới bán với tỷ suất sinh lợi là 51%.
HPG “cổ phiếu quốc dân” ko có gì để phân tích quá nhiều nhỉ.
HPG tăng trưởng từ 2020 tới 2021 lận chứ ko chỉ riêng 2021. Với việc Trung Quốc đánh thuế xuất khẩu vào các doanh nghiệp thép và cắt giảm sản xuất các ngành công nghiệp nặng để giảm ô nhiễm môi trường ==> Tạo ra sự khủng hoàng và thiếu hụt cung trên thị trường thế giới.
Giá thép HRC tăng cao liên tục, giá bán thép trong nước cũng tăng chưa từng có đã tạo cơ hội cho HPG sản xuất và bán hàng với các con số kỷ lục.
Mình chọn giữ HPG từ 2020 cho đến tận khi Thị trường sụp đổ từ đầu tháng 7, mặc dù bản thân doanh nghiệp Hòa Phát chẳng có ảnh hưởng gì.
Nhưng theo một số nguyên tắc đầu tư thì mình lựa chọn BÁN khi cổ phiếu giảm 15% từ đỉnh và lực bán vẫn còn rất mạnh thì cho dù một cổ phiếu tốt nó vẫn bị bán tháo. Đó là tâm lý chung toàn thị trường, chúng ta ko thể cản và tuyệt đối ko đi ngược với thị trường.
HPG vẫn sẽ là cổ phiếu tốt cho 5-10 năm nữa và giá hiện tại đóng phiên 31/12/2020 đang là 46.400 đ/cp theo mình giá này là rẻ và xứng đáng để mua tích sản cho tương lai.
Bài học số 3: Cổ phiếu tốt không có nghĩa là sẽ mãi tăng giá. Nó phụ thuộc vào kỳ vọng tương lai của nhà đầu tư, ko nên đi ngược lại tâm lý đám đông bởi Market là luôn luôn đúng, chỉ có chúng ta sai mà thôi.
#SZC (CTCP Sonadezi Châu Đức)
Mình đã có viết sẵn bài phân tích SZC và đây là cổ phiếu mình tiếp tục nắm giữ dài hạn cho mục tiêu 200k/cp.
Nghe giá 200k/cp hơi ảo phải ko các bạn. Ko sao cả vì cách định giá và kỳ vọng mỗi người khác nhau và chúng ta nên tôn trọng điều đó.
Với SZC mình mua vào từ đầu năm 2021 và sau đó phải bán hòa vốn vào giữa Tháng 3/2021 (sau khi lời 20% tính từ đỉnh trước đó) chỉ vì:
- Thời điểm đó SZC vẫn chưa rõ ràng cơ hội đầu tư, mình mua hơi sớm so với dự kiến.
- Vốn thì có hạn mà cơ hội khác tốt hơn nên mình đã chấp nhận bán SZC để đổi sang qua cổ phiếu khác.
Chính thức quay trở lại mua SZC vào sau ngày công bố BCTC quý 2 (16/7/2021) với lợi nhuận tăng trưởng 56% so cùng kỳ và sự kỳ vọng từ nhà đầu tư vào nhóm BĐS_KCN.
Từ thời điểm đó đến hôm nay SZC đã tăng gần 100%. Mặc dù mức độ tăng giá của SZC so với các cổ phiếu khác trong nhóm BĐS-KCN không phải là nhất nhưng mình tự tin cầm giữ nó bởi mình đã tìm hiểu nó và hiểu biết đường đi nước bước của nó.
Bài học số 4:
- Trong đầu tư ta phải linh hoạt và chấp nhận bán đi cổ phiếu tốt nhưng nó chưa chạy (có nghĩa chúng ta timing chưa chuẩn, mua vào quá sớm) và không ngại mua lại sau, thậm chí mua giá cao hơn khi cổ phiếu đấy đã vào đúng giai đoạn tăng giá của nó.
- Đôi lúc chúng ta phải sai đến tận 2-3 lần trong cùng 1 cổ phiếu (do timing sai) và lần thứ 4 cổ phiếu đó có thể chạy 100%, 200% thậm chí 500% nếu nó bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc.
# CTD (CTCP Xây dựng Cotecons)
Tham gia vào đầu T12/2021 tại vùng giá 73-80 và vẫn giữ cho đến kết phiên 31/12/2021 với tỷ suất sinh lợi 36% ( Tiếp tục mua ở giá 90-92) và vẫn giữ cho 2022.
Lí do mua CTD mình đã có bài phân tích CTD , bạn có thể tham khảo.
Với CTD so sánh tương qua với nhóm thép thì đối nghịc nhau bởi vì đầu vào của công ty xây dưng là thép nên:
“Đỉnh của giá thép là đáy của giá cổ phiếu xây dựng”. Nó đúng trong năm nay thôi và cũng vì những yếu tố lợi thế vĩ mô, kỳ vọng ngành 2022-2023 nên dòng tiền quay trở lại CTD, HBC vào cuối 2021.
Bài học số 5:
- Khi phân tích cổ phiếu, bạn cần phải so sánh tương quan với các nhóm ngành khác đang liên quan đến doanh nghiệp mình phân tích (thượng nguồn- trung nguồn- hạ nguồn) mới bao quát hết được toàn bộ ngành.
- Chấp nhận mua nhiều hơn ở khu vực nền sẽ tạo ra biên an toàn tốt (sau khi phân tích đầy đủ cổ phiếu).
- Chỉ nên gia tăng cổ phiếu tại các vùng điều chỉnh tự nhiên, nền khi đã có 1 biên lợi nhuận tốt trước đó rồi.
Nhóm trading khác
Đây là những cổ phiếu mình mua vào chủ yếu vì dòng tiền đang hoạt động mạnh ở nhóm ngành đó (đương nhiên base doanh nghiệp đó vẫn phải là loại tốt) và chốt lời khi đạt kỳ vọng trading.
Thông thường mình mua theo dòng tiền thì sẽ bán khi dòng tiền rút.
Tỷ trọng dành cho nhóm trading chỉ tối đa 30% vốn (cho năm nay, còn bình thường chỉ nên tối đa 20% vốn là hiệu quả).
Nhóm này đa phần mình chốt lời ở mức 30%-50% và cao nhất là 150%: HOM, KSB, NRC, IDJ, IDC… Nhóm tái cấu trúc doanh nghiệp (TTF, HAG), tuy mình đã bán hết nhưng vẫn hoàn toàn có thể quay trở lại mua và chuyển đổi thành cổ phiếu đầu tư một khi doanh nghiệp đó có sự thay đổi đặc biệt tạo ra sự tăng trưởng đột biến.
Bài học số 6:
- Tạo ra 2 Tài khoản chứng khoán với 2 chiến lược khác nhau: một dành hoàn toàn đầu tư dài hạn (70%-80% vốn) và một TK dành để đánh theo dòng tiền, đầu cơ, game…(tối đa 30% vốn). Khi tách bạch 2 TK như vậy bạn sẽ không bị tâm lý Danh mục đầu tư nó tăng chậm hơn, ko bị tâm lý FOMO…
- Hai TK là 2 chiến lược khác nhau nên tuyệt đối tuân thủ quy tắc, phương pháp, hệ thống giao dịch của mình để đạt hiểu quả tối ưu nhất.
3 deal đầu tư thua lỗ bởi lí do sau:
Đây là phần mình nghĩ là quan trọng nhất trong bài viết này. Bởi chúng ta sẽ học tập trên chính sai lầm của người khác để tự rút kinh nghiệm cho bản thân mình và không phải bỏ ra quá nhiều chi phí.
# VHM (Tập đoàn Vinhomes)
Đây là case đau đớn nhất của mình trong năm nay khi phải cutloss cổ phiếu mình phân tích khá kỹ và thua lỗ bởi sự hiểu biết còn non nớt của mình.
Mua vào VHM tại vùng giá 81-82 giữa tháng 7 (giá này sau chia) vì lúc này VHM ra báo cáo quý 2 lợi nhuận tăng rất tốt gấp 2 lần cùng kỳ cũng như các dự án unbill của VHM còn lại có thể lên tới 49k tỷ thì giá hợp lý của VHM phải 120k/cp theo định giá.
Thế nhưng người tính ko bằng trời tính :))
Ngay sau khi VHM công bố BCTC quý 2 và thu hút dòng tiền vào rất mạnh (lúc đó mình lời > 15%) thì phía Vingroup thông báo bán ra 100tr cổ phiếu và sau đó thị trường quay đầu giảm rất mạnh.
Bản thân mình người trong nghề, mối quan hệ với các Quỹ vì thế tin này mình biết từ sớm nhưng “MÌNH ĐÁNH GIÁ KO SAO CẢ”. Anh Vượng bán ra để xử lý dòng tiền thôi, cũng như chắc chắn phải có cân đầu khác mua chứ ko thể nào xả 100tr cổ phiếu trên sàn được.
Mình vẫn tiếp tục giữ với quan điểm cố chấp như vậy. Sau đó VHM giảm liên tục 3 cây mất hết lãi, mình ko bán và vẫn tiếp tục giữ hy vọng CP sẽ hồi. CUối cùng khi VHM gãy trend và mình buộc phải cắt lỗ hơn 5%.
Và sự cố chấp đó khiến mình trả giá cao hơn khi VHM tiếp tục giảm từ từ cho đến khi mình từ lời 15% thành lỗ 5% và phải cắt lỗ vào cuối tháng 10 khi VHM ra BCTC quý 3.
Bài học số 7
- Cổ phiếu tốt ko có nghĩa nó sẽ tăng giá khi sự kỳ vọng nhà đầu tư giảm dần (đó là lúc VIC đăng ký bán 100 triệu cổ phiếu VHM).
- Khi cổ đông lớn bán 1 lượng lớn cổ phiếu (cho dù bán thỏa thuận hay trên sàn) đều là một điều ko tốt cho tâm lý nhà đầu tư và chắc chắn biến động giảm trong ngắn hạn sẽ xảy ra.
- Khi 1 cổ phiếu giảm quá 10% từ đỉnh kèm khối lượng cực lớn và kỳ vọng âm thì xác suất rất cao cổ phiếu đó sẽ không hồi phục trở lại nhanh được ==> hãy thoát khỏi vị thế đó và review lại sau.
- Dám chấp nhận bán dứt khoát cổ phiếu cho dù giảm lời hay hòa vốn vẫn tốt hơn là đưa bản thân vào vị thế âm vốn. Lúc này bạn sẽ bị tâm lý như mình đã kể ở trên và ngồi hy vọng cổ phiếu tăng trở lại. Điều này chỉ làm cho bạn thêm mệt mỏi và đầu óc kém tỉnh táo để tìm cơ hội đầu tư khác.
- Đọc thêm: Bài học về cắt lỗ cực kỳ quan trọng nếu muốn đầu tư thành công
# SSI (CTCP Chứng khoán SSI)
Đây là giai đoạn mà chỉ đánh cổ phiếu dựa vào “dòng tiền”, ko thể phân tích nội tại DN làm gì nó tạm thời ko còn ý nghĩa trong giai đoạn thị trường nóng, dòng tiền đầu cơ áp đảo. Đó là vào đầu T11/2021khi các CTCK đã kín room margin ko thể mua thêm cho dù bạn còn dư sức mua.
Mình ko thể nào mua thêm VND (bình thường mỗi dòng cổ phiếu chỉ đánh tối đa 2 cổ phiếu) vì thế đã quyết định chọn mua SSI (đơn giản vì nó còn room cho vay).
Quan điểm lúc đấy là mua cho đủ tỷ trọng nhóm cổ phiếu chứng khoán trong danh mục và mình đã mua SSI quanh 50-52k/cp.
SSI sau đó tăng giá lên 55-56 nhưng sau đó quay đầu giảm (nhóm CK biến động tương quan với vnindex) khi dòng tiền ở vùng 1450-1500 giảm đi và mình đã phải bán đi SSI vì dòng tiền vào SSI giảm sút cũng như chỉ số VN-index đang sideway chưa rõ xu hướng vì thế mình phải thoát vị thế tìm cơ hội sau.
Bài học số 8:
- Không nên FOMO theo một cổ phiếu chỉ vì muốn mua cho đủ hàng hay vì lí do full room như trường hợp của mình.
- Dám cắt lỗ cổ phiếu khi phát hiện ra bạn ko còn “cảm giác” ở trong vị thế đó nữa. Một khi bản thân bạn giữ một cổ phiếu mà khiến bạn phải lo âu thì hãy BÁN ĐI cho dù lời ít lời nhiều hay lỗ.
# HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát)
Tại sao ở trên ăn sóng HPG mà ở dưới này lại lỗ HPG?? Bạn không nhầm đâu.
Riêng deal HPG ở phần trên mình giải thích khá kỹ lí do làm sao mình kiếm được lợi nhuận khá tốt từ HPG. Thế nhưng ở phần này mình muốn các bạn hình dung khía cạnh khác: Cùng đầu tư 1 cổ phiếu ở các thời điểm khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau.
Vòng 2 của HPG mình tham gia là vào tháng 8-11 như hình dưới.
Lúc này mặc dù TP.HCM lockdown toàn thành phố nhưng sản lượng thép tiêu thụ của HPG vẫn rất tốt (có tăng trưởng ở sản lượng bán hàng vào mỗi tháng) và mình tính toán được rằng Quý 3 của HPG rất tốt (Giá thép vẫn neo ở giá cao).
Và định giá vào quý 4 HPG sẽ mang doanh thu tầm 40k tỷ và LNST có thể đạt 12k tỷ thì định giá hợp lý của HPG (2021) phải 65-70k/cp.
NHƯNG
Định giá dựa trên các con số thống kê, phương pháp định giá là một chuyện còn bản thân thị trường nó chấp nhận trả giá bao nhiêu là câu chuyện khác.
Cho đến khi đầu tháng 10 thì thông tin LNST của HPG đã lan rộng trên khắp các diễn đàn và gần như giá cũng đã phản ánh vào trước khi báo cáo được công bố vào cuối tháng 10.
Đúng thời điểm đó giá thép trên thế giới (HRC) bắt đầu quay đầu giảm giá hơn 30% từ đỉnh và về lại mức giá trung bình vào quý 1. Cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư cũng kém khả quan hơn trong 2022 khi HPG có 1 năm 2021 đại thắng thì 2022 sẽ kém tăng trưởng hơn.
Tức nhà đầu tư đã nhìn ra tương lai 2022 triển vọng kém của ngành thép vì thế đã có sự tháo chạy của dòng tiền khỏi nhóm thép.
Bản thân mình đầu tư HPG từ 2022- 2021, cực kỳ yêu thích HPG và bác Trần Đình Long cùng đội ngũ lạnh đạo nhân viên rất giỏi và theo trường phái đầu tư dài hạn, thế nhưng khi dòng tiền nóng rút đi, kỳ vọng âm thì mình cũng phải linh hoạt xử lý ngay lập tức khi HPG quay đầu giảm và gãy xu hướng.
Mình đã phải bán HPG với giá 54k/cp, chấp nhận từ lời 10% thành lỗ 1% và kết thúc deal.
Bài học số 9:
- Biết cách rút kinh nghiệm từ trong quá khứ (chính là cổ phiếu VHM: kỳ vọng âm, giá đã phản ánh vào trước khi ra báo cáo).
- Không nên cố chấp hay yêu thích/chán ghét bất kỳ cổ phiếu nào để tránh rơi vào trạng thái mù quáng cổ phiếu.
- Luôn dành thời gian vào mỗi quý để review lại các doanh nghiệp tốt, còn tiềm năng tăng trưởng. Đừng bỏ qua chỉ vì trước đó bạn đã chốt lời hay cắt lỗ ở phiếu đấy. Hãy nhìn vào con số biết nói trên bản BCTC.
LƯU Ý :
Rõ ràng với HPG vẫn là doanh nghiệp thép số 1 Việt Nam, cổ phiếu quốc dân, ko có gì để chê cả và với nhà đầu tư dài hạn, mua tích sản nắm giữ >5-10 năm họ sẽ không bán HPG vì những lí do vớ vẩn Phương nêu ở trên.
TUY NHIÊN, tất cả những phân tích định giá của mình nó phù hợp với tính cách, tâm lý, vị thế và phương pháp của mình. Có thể sẽ đúng với người này, sai với người kia nhưng nó chắc chắn đang PHÙ HỢP với mình.
Còn nhiều cổ phiếu thua lỗ khác trong năm 2021, nhưng nhìn chung cũng khá giống nhau nên mình chỉ nêu 3 case cơ bản để chúng ta có bài học riêng mà thôi.
3 deal “cầm vàng để vàng rơi”
#CSC (CTCP Tập đoàn COTANA)
Đây là deal đầu tư khiến mình thất vọng bản thân nhiều nhất trong năm 2021
Trước khi mua bất kỳ cổ phiếu nào mình đều tìm hiểu rất kỹ doanh nghiệp đó, tiếp sau đó mới xem qua các phân tích kỹ thuật để tìm điểm MUA tốt.
Với CSC tại vùng giá 30-35 mình định lượng được Bigboys họ chỉ gom vùng giá bằng mình thôi, ko thể nào thấp hơn vì thế tiềm năng tăng giá của CSC sẽ phải rất cao, ít nhất 100% tức vùng giá 60. Vị thế cực kỳ tốt
Thế nhưng mình bán sạch vì lí do sau:
- Sau BCTC quý 1 thì CSC vẫn không hạch toán bất kỳ dự án nào vào khiến EPS ko tăng và kỳ vọng phải đến Quý 3 mới book vào ==> Swap đổi hàng với kỳ vọng sẽ quay lại sau đó sau khi đi kiếm ăn chỗ khác tốt hơn.
- Thanh khoản CSC thời điểm Quý 1/2 ko quá cao
- Thời gian chờ đợi quá lâu cho 1 deal mà rủi ro cũng lớn (Tỷ lệ risk- reward đang là 5:5)
Và sau khi bán CSC 1 tháng sau đó đã chạy tăng 600% cho đến hết năm.
Bài học số 10:
- Tính kiên nhẫn trong đầu tư là rất quan trọng. Đừng vì cổ phiếu của “thằng bên cạnh” đang tăng tốt quá mà bán ra cổ phiếu mà trước đó mình đã phân tích rất kỹ để qua cổ phiếu khác.
- Khi cổ phiếu bước vào giai đoạn chạy bứt tốc mà trước đó bạn đã tham gia mua và bán sớm thì đừng ngại tham gia lại lần tiếp theo cho dù mua với giá cao hơn 10-20% (Đương nhiên phải tính được CP đó sẽ chạy 100-200% sau đó)
- Đừng nghĩ là cổ phiếu đang tích lũy, bạn bán sang cổ phiếu khác kiếm ăn rồi quay về thì cổ phiếu đó sẽ vẫn ở mức giá đó chờ bạn. Đa phần cổ phiếu vào giai đoạn chạy tăng tốc sẽ rất khó để bạn tham gia MUA MỚI bởi vị thế bạn bị yếu đi so với mua tại vùng giá nền.
# IDC (Tổng công ty IDICO)
Vào giai đoạn tháng 9-12 là giai đoạn bùng nổ của nhóm ngành BĐS và BĐS-KCN.
IDC cũng là một doanh nghiệp BĐS-KCN có quỹ đất lớn ở khu vực phía Nam. Sau khi ngồi phân tích IDC thì mình đánh giá về nội tại nó thua SZC và danh mục đang có sẵn SZC rồi, mình ko muốn bổ sung quá nhiều cổ phiếu thuộc cùng nhóm ngành vào trong danh mục.
Vì thế chỉ tham gia với mindset “Lướt sóng trên nền cơ bản ổn”.
Tại vùng giá 35-38 là khu vực có sự tham gia của nhà đâu tư lớn (thể hiện qua thanh khoản thị trường) và cũng bằng cách định lượng vùng mua thì mình biết giá mua của mình chỉ cao hơn Bigboy tầm 20% thôi.
Và sau khi mua hàng T+3 về IDC tăng 1 mạch lên 50 và yếu đi vài phiên sau đó và mình quyết định BÁN bởi lí do ban đầu “lướt sóng” với tỷ suất sinh lợi 30% chỉ trong 10 phiên thì quá tốt. Oke mình bán
Và IDC tăng 170% từ vùng mình mua.
Bản chất IDC giai đoạn vừa rồi cũng là một cổ phiếu có game, có sự tham gia của dòng tiền lớn (nội bộ và các đội nhóm bên ngoài) và có nhiều sự thay đổi nội tại nên với 2 điều kiện đó đủ để IDC tăng giá rất mạnh chỉ trong thời gian ngắn.
Tương tự IDC là GEX mình cũng mua ở vùng giá rất an toàn 23-25 thế nhưng đã bán ở vùng 3x sau khi lời 30% (trùng với deal IDC về bản chất). Sau đó GEX tăng 150%
Bài học số 11:
- Thường khi bạn có lời ngay lập tức sau khi mua cổ phiếu thì 70-80% là bạn mua đúng điểm. Vì thế cứ thoải mái ôm giữ cổ phiếu vì bạn đã có đòn bẩy lợi nhuận cao rồi.
- Cổ phiếu khi đã có sự tham gia của dòng tiền lớn kèm theo điều kiện sóng ngành (sóng BĐS) thì thường cổ phiếu tăng ít nhất 100%-200% thậm chí 600% cho 1 chu kỳ tăng giá.
- Chỉ bán cổ phiếu khi cổ phiếu đó thực sự bước vào giai đoạn phân phối (Chúng ta ăn cả 1 con sóng và trả lại 1 nhành hoa mà thôi)
- Mua bằng lí do gì thì bán bằng lí do đó (TH này thì mình đã đúng về phương pháp nhưng sai điểm bán chỉ vì “30% là đủ rồi” mà thực tế 50 -52 chưa phải là vùng bán theo phương pháp PTKT)
#NLG (CTCP đầu tư Nam Long)
Bài học số 12:
- Tham gia quá sớm vào giai đoạn kết quả kinh doanh, kỳ vọng của doanh nghiệp chưa rõ ràng sẽ dễ dẫn đến tâm lý chán nản
- Sau 3-4 lần mua sai thì đừng ngại mua thêm lần thứ 5 sau khi cổ phiếu break bởi trong một con sóng tăng của cổ phiếu, giai đoạn tích lũy kéo dài từ 3-6 tháng thậm chí 12 tháng và giai đoạn tăng tốc chỉ kéo dài 1-2 tháng rất nhanh.
- Với những cổ phiếu kiểu Break giả thế này, mức cắt lỗ thường nên thấp từ 5-7% là phù hợp
- Đây là lời khuyên dành cho những bạn lướt sóng và đánh cổ phiếu theo chu kỳ ngành. Không phù hợp với người mua nắm giữ.
Trong phần trên mình có nói năm nay không quá hài lòng với kết quả đầu tư vì có thể bản thân sẽ làm tốt hơn thế.
Lí do là vì sao? Mời bạn ghé đọc bài viết này.
Đọc thêm: Vị thế trong đầu tư
TỔNG KẾT
Trong năm qua không chỉ chừng ấy cổ phiếu mình tham gia mà còn rất nhiều cổ phiếu khác. Tuy nhiên đây là những cổ phiếu gắn với những bài học đặc biệt mà mình muốn chia sẻ cho mọi người cùng tham khảo.
Thực tế chẳng ai muốn show kết quả đầu tư cá nhân lên công động đâu. Nhưng với mình lại khác
Một nhà đầu tư muốn thành công lớn nên duy trì thói quen viết nhật ký giao dịch để review lại những khoảng đầu tư được và mất trong năm qua để điều chỉnh tốt hơn trong tương lai.
Không tự viết ra kết quả giao dịch, không dám share quan điểm đầu tư thì sẽ rất khó để tiến bộ qua năm tháng được. Những bài học này sẽ gắn bó và theo mình đến hết cuộc đời đầu tư và hy vọng sang năm mới 2022 sẽ tránh mắc phải sai lầm cũ, phát huy thế mạnh và kỷ luật bản thân mình nhiều hơn.
Chúc toàn thể bạn đọc theo dõi Phuonginvestor sẽ có thêm nhiều sức khỏe, niềm vui và thành công cho năm 2022.