Đa dạng hóa danh mục -“Đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ” hay đừng để tất cả tiền của bạn ở một nơi vì bạn có thể mất tất cả chỉ trong một lần.
1. Ý nghĩa thực sự của đa dạng hóa?
Đặt trứng vào các giỏ khác nhau. Lo sợ bị mất tiền là một trong những lý do khiến mọi người có thể cảnh giác khi đầu tư nhưng việc bỏ tiền của bạn vào các khoản đầu tư khác nhau có thể giúp giảm một số rủi ro.
Về mặt kỹ thuật, đây được gọi là đa dạng hóa. Nó chỉ có nghĩa là chia tiền của bạn vào các khoản đầu tư khác nhau, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt và bất động sản…
2. Tại sao phải chia tiền của mình cho nhiều giỏ?
Giả sử bạn chọn để một số tiền của mình trong tài khoản tiết kiệm tiền mặt để có thể dễ dàng sử dụng khi gặp bất kỳ vấn đề khẩn cấp nào trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, bạn cũng đã dành dụm được 1 khoản tiền sau nhiều năm đi làm, vì vậy bạn có tiền đầu tư vào bất động sản theo dạng mua căn hộ cho thuê, bạn sở hữu đất nền để chờ tăng giá vì bạn biết chắc BĐS là loại hình khá an toàn và có lợi nhuận tốt về dài hạn (Như đất ở Long Thành, Bình Dương, Q9 khu vực phía đông Sài Gòn đã có nhiều nơi tăng giá gấp 5- 10 lần từ 2016 đến nay).
Và bạn có 1 khoản tiền nhỏ muốn đầu tư vào nơi có tỷ suất sinh lợi trung bình cao hơn ngân hàng nhưng thanh khoản lại cao để lỡ có việc gì bạn có thể xoay nhanh được vì thế bạn quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán để có thể tạo ra nguồn thu nhập thụ động về dài hạn.
Đọc thêm: So sánh ưu và nhược điểm 5 kênh đầu tư phổ biến ở Việt Nam.
Đây là một ví dụ về việc đầu tư vào các loại tài sản khác nhau và điều quan trọng là phải làm vì không phải tất cả các loại tài sản đều tăng giá hay cùng giảm giá, các loại tài sản bị ảnh hưởng theo những cách khác nhau bởi các sự kiện kinh tế khác nhau. Nếu bạn không muốn tự mình đa dạng hóa, bạn có thể mua vào một quỹ làm điều đó cho bạn.
Đó là tư duy về phân bổ tài sản của cả gia đình bạn, toàn bộ tài sản của bạn. Còn đi sâu chi tiết vào từng kênh đầu tư, bạn có thể đa dạng hóa khoản đầu tư của mình trong chính một loại tài sản.
Ví dụ, nếu chọn đầu tư vào cổ phiếu, bạn có thể chọn cả các công ty lớn và nhỏ, những công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau và những công ty có đặc điểm đầu tư khác nhau. Bạn cũng có thể thực hiện một cách tiếp cận tương tự nếu đầu tư vào trái phiếu, bao gồm tùy chọn lựa chọn đầu tư vào trái phiếu công ty hoặc trái phiếu chính phủ.
3. Tìm sự cân bằng phù hợp: đừng lạm dụng đa dạng hóa danh mục.
Bỏ tiền của bạn vào nhiều giỏ đầu tư khác nhau chỉ có thể giảm thiểu rủi ro đến một điểm chứ không thể loại bỏ hoàn toàn. Tất cả các khoản đầu tư đều có một số rủi ro nhất định. Ngoài ra, nắm giữ quá nhiều khoản đầu tư khác nhau và không cho phép bất kỳ khoản đầu tư nào trong số đó có rủi ro cao là một việc làm đòi hỏi kinh nghiệm và tư duy như 1 nhà quản lý quỹ. Vì vậy hãy chọn những gì phù hợp với tình trạng tài chính, kỳ vọng lợi nhuận, mức độ take risk và cả kiến thức chuyên môn của mình trong đó.
Có những thời điểm đa dạng hóa không thực sự phát huy sự hiệu quả của nó và sự tập trung lại là điều bạn nên lựa chọn. Có nghĩa tất cả mọi thứ là tương đối và bạn phải “thức thời” với từng thời điểm trong cuộc sống thì mới có thể quản lý tốt tài sản của mình.
Dù cách tiếp cận của bạn để không ‘bỏ trứng vào một giỏ’ là gì, thì điểm mấu chốt là đa dạng hóa giúp quản lý rủi ro đầu tư của bạn.
4. Có nên tự đầu tư?
Đương nhiên bạn phải là người tự ra quyết định cho chính số tiền của mình rồi. Tuy nhiên Phương có một góc nhìn khác muốn bạn đọc và suy nghĩ kỹ.
Thứ nhất: Làm tốt nhất thứ mình đang làm. Hay còn gọi là nên tập trung vào sở trường của mình- công việc hiện tại có thể tạo ra thu nhập tốt cho bạn. Đừng phân tán quá nhiều lĩnh vực bởi con người luôn bị giới hạn về mặt kiến thức, thời gian. Nếu không làm tốt thì rất dễ mất hết mọi thứ.
Người ta hay bảo là “Một nghề cho chín, còn hơn 9 nghề”
Thứ hai: Tìm người giỏi và phù hợp nhất với mình trong lĩnh vực đang đầu tư. Ví dụ bạn là một anh bác sĩ nha khoa vừa làm việc tốt tại bệnh viện vừa có phòng nha khoa để kinh doanh riêng. Rồi bạn lại tự mình đầu tư cổ phiếu được. Okie có thể bạn đủ giỏi để có thể đầu tư nhưng có một điều là bạn phải dành thời gian rất nhiều để nghiên cứu cổ phiếu và đầu tư thành công. Bạn phải san sẻ thời gian kinh doanh của mình cho việc đầu tư mà chưa chắc đảm bảo thành công.
Vậy giải pháp chính là hãy “thuê” một đội ngũ làm việc tốt nhất mà bạn biết để thay bạn kiếm tiền. Trả thưởng họ xứng đáng thì chắc chắn họ sẽ mang lại lợi nhuận tốt nhất cho bạn.
5. Câu chuyện đa dạng hóa thất bại của Phương
Cách đây 2 năm lúc thị trường chứng khoán bắt đầu bước vào giai đoạn giảm giá và cơ hội kiếm tiền trên thị trường chứng khoán trở nên khó khắn hơn nhiều. Lúc đó, Phương đã rút 1 phần vốn nhất định và bắt đầu tìm tòi đi đầu tư, kinh doanh cái khác.
Thế rồi Phương bỏ vốn đầu tư vào 1 team đang quản lý hệ thống dãy nhà trọ. Mọi thứ đều rất tốt trong 3 tháng đầu cho đến khi team quản lý báo lỗ tháng thứ 4 khi phát sinh rất nhiều chi phí trong xây dựng do lỗi xây dựng kém. Những điều này bản thân Phương không đủ giỏi để hiểu những vấn đề của đội xây dựng… thế là mất lời, thậm chí có tháng lỗ. Nhưng mình vẫn phải gồng tiếp vì thật ra bớt lời chứ không hẳn là lỗ… Cho đến khi Covid 19 xảy ra đầu năm nay như 1 cú tát vào mình khi lượng công nhân, sinh viên chuyển về quê rất nhiều, lượng phòng trống lên tới 40%, buộc phải giảm giá phòng để kéo người thuê thế nhưng không mấy hiệu quả…
Tới giờ thì khoản đầu tư này từ lời chuyển thành lỗ. Đây có thể xem là bài học kinh nghiệm cho Phương khi mắc rất nhiều lỗi trong đầu tư:
- Lựa chọn kênh đầu tư chưa hiệu quả
- Lựa chọn đối tác hợp tác chưa hiệu quả
- Khả năng tính toán và quản lý ở lĩnh vực ngoại ngành chưa hiệu quả
Thực sự qua lần đầu tư trái ngành này bản thân Phương đã rút ra rất nhiều bài học và quan trọng nhất chính là “ĐA DẠNG HÓA DANH MỤC” hay “ĐỪNG BAO GIỜ BỎ TRỨNG VÀO CÙNG MỘT GIỎ” nó không ĐÚNG khi áp dụng trong điều kiện bản thân ít kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực đó.
Đó là lý do tại sao Phương đã nói ở trên là “Có nên tự đầu tư?”, khi bạn đủ kiến thức và kinh nghiệm thì hãy tự đầu tư còn không hãy hợp tác với người giỏi hơn trong lĩnh vực bạn đang tìm hiểu. Đẳng cấp cuối cùng của các loại hình đầu tư chính là “Đầu tư vào con người”.
Bản thân Phương bây giờ chỉ tập trung hoàn toàn vào đầu tư chứng khoán cùng với team đầu tư phát triển một cộng đồng những nhà đầu tư thông minh.
Đây là chia sẻ rất thật về câu chuyện đầu tư thất bại của Phương và mình dám nói ra sự thật là muốn nhắc nhở bản thân không bao giờ lập lại lỗi lầm cũng như giúp các bạn có phương pháp đầu tư, phân bổ tài sản hiệu quả.
Chúc bạn đầu tư thành công!