Ủy thác đầu tư đang ngày càng nở rộ trong giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh như hiện nay. Nhiều nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư ủy thác với mong muốn có được tỷ suất sinh lời cao.
Vậy ủy thác đầu tư là gì? Liệu rằng đây có phải là hình thức hiệu quả giúp nhà đầu tư tối ưu hóa tiền nhàn rỗi của bản thân?
Ủy thác đầu tư là gì?
Định nghĩa: Đây là hình thức mà một bên (cá nhân, tổ chức) ủy quyền cho một bên khác (cá nhân, tổ chức khác) có chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện công việc đầu tư: cơ cấu danh mục , thực hiện mua bán trên tài khoản của người ủy thác.
# Đối tượng ủy thác
Đa phần người ủy thác đầu tư mà Phương đã và đang hợp tác cùng họ có những đặc điểm như sau:
- Những nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng và muốn thay đổi kênh đầu tư có lợi nhuận cao hơn.
- Đa phần là người mới: chưa có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đầu tư chứng khoán.
- Nhà đầu tư lâu năm nhưng vẫn chưa kiếm được lợi nhuận, thậm chí thua lỗ: HỌ tham gia lâu trên thị trường nhưng vẫn không thể kiếm được tiền, họ vẫn biết được tiềm năng của thị trường chứng khoán nhưng năng lực chưa đủ để kiếm được tiền.
- Những người bận rộn, có công việc kinh doanh riêng: Thường những nhà đầu tư này rất giỏi kiếm tiền trong lĩnh vực của họ nhưng với chứng khoán nhiều khi là zero. Họ muốn phân bổ tiền vào nhiều nơi nhưng lại không muốn phân tán thời gian sang lĩnh vực mới, buộc phải dành nhiều thời gian vì thế họ chọn tìm đội ngũ giỏi có thể “quản lý tiền” cho họ.
# Đối tượng nhận ủy thác
Thông thường đối tượng nhận ủy thác là những cá nhân hoặc tổ chức có trình độ, chuyên môn và kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán. Họ có thể là:
- Công ty quản lý Quỹ, công ty chứng khoán: Đây là những tổ chức lớn với đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm.
Đặc điểm
Các tổ chức này nhận ủy thác của khách hàng dưới nhiều hình thức: quản lý danh mục đầu tư riêng cho từng cá nhân nhưng yêu cầu vốn phải lớn ( ví dụ vốn đầu tư ban đầu ít nhất 20 tỷ để được quản lý riêng). Bạn phải trả phí quản lý hằng năm và nhiều quyền lợi nghĩa vụ khác mà khi làm sẽ có hợp đồng quy định các điều khoản riêng.
Ưu điểm
– Được thiết kế danh mục đầu tư riêng phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính của khách hàng.
– Có hợp đồng hợp tác đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của hai bên.
– Được quản lý bởi đội ngũ chuyên nghiệp, có kiến thức trình độ chuyên môn.
Nhược điểm:
– Phí quản lý hằng năm thường cao và bắt buộc trả cho dù năm đó danh mục của bạn có lợi nhuận hay không.
– Vốn đầu tư thường lớn: một số tổ chức yêu cầu vốn tối thiểu 20 tỷ.
– Bạn không được phép tham gia vào việc thảo luận, trao đổi về danh mục cũng như tác động đến danh mục đầu tư. - Môi giới: là sự hợp tác giữa cá nhân môi giới và khách hàng dựa trên sự tin tưởng trước đó.
Đặc điểm
Khách hàng mở tài khoản giao dịch chứng khoán và môi giới sẽ thực hiện công việc: tạo danh mục đầu tư, thực hiện mua/bán trên phần mềm đặt lệnh riêng của môi giới tại công ty chứng khoán môi giới đó làm việc. Môi giới không liên quan đến việc nạp/ rút tiền của khách hàng, chỉ có duy nhất quyền hạn được đặt lệnh mua/bán khi khách hàng đã kí giấy ủy quyền đặt lệnh.
Ưu điểm
– Khách hàng vẫn hoàn toàn truy cập vào tài khoản cá nhân của mình để theo dõi, kiểm tra các hoạt động mua bán đầu tư của môi giới mình ủy thác.
– Hợp tác giữa hai cá nhân với nhau nên sẽ dễ dàng trao đổi, thảo luận về danh mục và linh hoạt trong vấn đề hợp tác đầu tư.
– Thường sẽ không tốn phí quản lý ban đầu mà chỉ có phí ủy thác chia trên lợi nhuận môi giới đầu tư mang lại cho khách hàng (thông thường 20%-30% tùy deal) sau thời hạn đầu tư (1 năm hoặc thỏa thuận).
Nhược điểm:
– Vì là hợp tác dựa trên sự tin tưởng nên khách hàng cần phải thật cẩn thận chọn lựa người quản lý tài sản cho mình.
– Mọi rủi ro cá nhân khách hàng tự chịu trách nhiệm vì đây là “hợp đồng miệng” hoặc cho dù có hợp đồng giấy thì đó cũng là hợp đồng dân sự vì Luật chứng khoán quy định môi giới không được phép Ủy thác đầu tư.
– Rủi ro thuộc về cả phía môi giới và cả khách hàng khi: Có lợi nhuận môi giới vẫn không chắc nhận được hoa hồng vì tiền vẫn nằm trong tài khoản khách hàng. Rủi ro cho khách hàng là môi giới không kiểm soát được mức lỗ khi thị trường rơi vào giai đoạn giảm giá - Người quen
Đặc điểm:
Khách hàng ủy thác việc đầu tư cho người quen, người thân và giao toàn quyền quyết định đến tài khoản bao gồm: rút tiền, mua bán, quản lý danh mục.
Bạn giao hết tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho người quen khi tiến hành ủy thác đầu tư
Ưu điểm:
– Có thể vì người quen nên bạn đã tìm hiểu kĩ về lịch sử đầu tư, tính cách của người quản lý tài khoản cho mình.
Nhược điểm:
– Rủi ro khi bạn giao hết thông tin cá nhân cho người quen đầu tư.
Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nhận ủy thác nào cũng sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng mà trước khi tiến hành hợp tác làm việc theo hình thức này bạn phải tìm hiểu kỹ.
Lợi ích của ủy thác đầu tư
Ở trên Phương phân tích khá là kỹ những ưu, nhược điểm của từng đối tượng nhận ủy thác. Trước khi bạn đi đến quyết định lựa chọn ai là người quản lý tiền cho mình thì hãy cùng nhìn nhận khách quan về chủ đề này nhé.
- Thu nhập thụ động: Gần giống như gửi tiết kiệm ngân hàng, tuy nhiên ở kênh đầu tư chứng khoán thu nhập của bạn sẽ cao hơn dựa trên tiềm năng của thị trường chứng khoán.
- Tiết kiệm thời gian: nếu bạn là người mới tham gia vào thị trường trung bình ít nhất bạn phải trải qua hai giai đoạn tăng giá và giảm giá của thị trường bạn mới thực sự có được trải nghiệm và kiếm được tiền (ít nhất 3 năm). Vậy thì rõ ràng thời gian đó là quá dài cho việc “trả học phí” thay vào đó khi bạn ủy thác bạn hoàn toàn “tận dụng” quỹ thời gian của những chuyên gia- những người có kinh nghiệm dày dặn trên thị trường giúp bạn làm điều đó tốt hơn.
- Đội ngũ chuyên nghiệp: Phải mất nhiều thời gian để bạn tự đầu tư và kiếm được tiền, thay vào đó bạn hoàn toàn kiếm được tiền nhờ vào đội ngũ quản lý tài sản chuyên nghiệp thay bạn làm điều đó. Bạn trả hoa hồng của người nhận ủy thác dựa trên năng lực họ mang lại, nó giống như chi phí bạn trả lương cho “giám đốc tài chính” để quản lý tài khoản của bạn.
- Tiết kiệm “học phí”: Khi bạn làm việc cùng đội ngũ ủy thác đầu tư, bạn hoàn toàn hiểu được cách thức lựa chọn cổ phiếu, cách phân bổ tài sản, quản trị rủi ro danh mục… Những kiến thức này bạn phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để học.
- Tập trung công việc chính: một khi đã đầu tư đòi hỏi bạn phải nghiên cứu, học hỏi và dành thời gian cho công việc này. Như thế sẽ khá ảnh hưởng đến công việc chính là chuyên môn của bạn đang sinh ra tiền cho bạn. Vì thế khi ủy thác đầu tư sẽ giúp bạn không chỉ kiếm được tiền mà còn không bị phân tâm bởi biến động thị trường.
Rủi ro của ủy thác đầu tư
Có lẽ rủi ro lớn nhất và duy nhất của ủy thác đầu tư chính là “thua lỗ”.
Không có gì đảm bảo rằng việc ủy thác đầu tư luôn kiếm được tiền trên thị trường chứng khoán. Khi bạn ủy thác cho người khác đồng nghĩa là bạn đang “đầu tư vào con người“, bạn giao hoàn toàn quyền quyết định cho người khác, dựa vào tài năng, kinh nghiệm của người khác. Đây là thứ khó dự đoán và kiểm soát được.
Có nên ủy thác hay không? Bí quyết chọn đội ủy thác chất lượng
Sau khi đọc xong hết tất tần tật về lợi ích, rủi ro của ủy thác đầu tư chắc bạn cũng còn lăn tăn không biết nên ủy thác hay không phải không?
Phương sẽ tóm tắt những người nên ủy thác đầu tư như sau: Có vốn nhàn rỗi muốn đầu tư tăng lợi nhuận cao hơn lãi ngân hàng; không có thời gian nghiên cứu về cổ phiếu; có công việc chính tạo ra tiền và không muốn phân tâm; vốn đầu tư chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản.
Bí quyết chọn đội ủy thác chất lượng
Như Phương đã nói, ủy thác đầu tư giống như việc bạn đang “đầu tư vào con người” nhiều hơn là đầu tư cổ phiếu vì thế phải tìm hiểu thật kỹ.
- Lịch sử đầu tư của đội ủy thác (có thể là cá nhân, tổ chức tùy bạn lựa chọn dựa vào mục trên): tỷ suất sinh lợi trong ít nhất 3 năm qua để xem biến động như thế nào? Có ổn định không?
- Đội đầu tư tốt có đặc điểm: tỷ suất sinh lợi thường cao hơn trung bình thị trường; ổn định và bền vững. Tỷ suất sinh lợi bình quân 20-30% là quá tốt so với thị trường.
- Cách chọn danh mục đầu tư: doanh nghiệp loại nào? Lí do lựa chọn…
- Cách quản trị rủi ro: Rủi ro lớn nhất trong lịch sử đầu tư là bao nhiêu? Cách kiểm soát như thế nào?
- Giao dịch thường xuyên hay không? Nếu người ủy thác quá thường xuyên trading và mua bán loạn xạ theo biến động thị trường thường thì không phải cách tốt để tạo lợi nhuận.
- Đội ngũ làm việc gồm những ai, trình độ và kinh nghiệm như thế nào?
- Không cam kết lợi nhuận: Theo nguyên tắc đầu tư và luật thì không có bất kỳ Quỹ nào cam kết đầu tư, vì sẽ gây áp lực lên 2 phía khi thị trường rơi vào giai đoạn khó khăn. Một đội ngũ đầu tư mà cam kết lợi nhuận cho bạn thường thì không đáng tin cậy vì họ làm thế chỉ để thu hút bạn mà thôi. Khi bị thua lỗ chưa chắc họ có năng lực đủ để trả cho bạn mức cam kết lợi nhuận.
Đó là phía người nhận ủy thác, còn về phía bạn ngay từ đầu bạn phải xác định thật rõ những điều như sau:
- Lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro tối đa có thể chấp nhận: nói rõ ra nhu cầu của bạn. Vì rủi ro tối đa bạn chịu được nó sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư ngay từ đầu.
- Thời gian cam kết đầu tư: Tốt nhất là tối thiểu một năm, còn thời gian quá ngắn sẽ không hiệu quả vì thị thường thường biến động lớn trong thời gian ngắn.
- Tổng số tiền ủy thác đầu tư chỉ nên chiếm 5-10% tổng tài sản của bạn. Nếu xảy ra rủi ro lớn nhất là chạm mức cắt lỗ thì cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của bạn.
- Đây là khoản tiền nhàn rồi hay khoản tiền vay? Tốt nhất là tiền nhàn rỗi không sử dụng đến ít nhất 1 năm.
Ủy thác đầu tư có là kênh đầu tư hiệu quả hay không chắc hẳn qua bài viết khá chi tiết này bạn đã có câu trả lời riêng cho mình rồi.
Dù lựa chọn đầu tư theo cách thức nào thì Phương khuyên bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định để có thành quả tốt nhất.