Có rất nhiều cách để bạn đầu tư chứng khoán nhưng chung quy lại thì ở thị trường chứng khoán Việt Nam có 5 trường phái đầu tư chính được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu 5 trường phái này là gì.
Trước hết hãy trả lời câu hỏi dưới này nhé:
Theo bạn “Xác suất thắng trong đầu tư chứng khoán và trò chơi đỏ đen có như nhau hay không ?
Làm một bài thống kê nhỏ:
Trong 94 năm của chỉ số S&P 500 (đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ): từ 1926-2020.
– Xác suất có tỷ suất sinh lời <-20% là 6.4%
– Xác suất có tỷ suất sinh lời từ -10%-> -20% là 5.3%
– Xác suất có tỷ suất sinh lời < 0% là (6+5+14)/94 = 26.6%.
– Xác suất có tỷ suất sinh lời > 0% là 1-26.6% = 73.4% (trong đó có đến 37% có xác suất được > 20% và 58.5% xác suất > 10%).
Thống kê trên cho thấy xác suất thắng trên thị trường chứng khoán lớn hơn rất nhiều so với đỏ đen (giả định xác suất thắng là 50%-50%).
Nếu chúng ta nghiêm túc và dành thời gian cho việc nghiên cứu phân tích và đánh giá từng doanh nghiệp thì xác suất có tỷ suất > 20% sẽ tăng hơn con số thống kê trên rất nhiều đấy.
Minh chứng là:
Ngài Warren Buffett với phương pháp đầu tư của mình đã áp dụng hơn 50 năm qua với tỷ suất sinh lợi kép 20.9%/năm… vượt trội so với mức 9.9%/năm của chỉ số S&P 500.
Đương nhiên trên thị trường chỉ có 5% nhà đầu tư chiến thắng
Đã có rất nhiều nhà đầu tư huyền thoại thành công là những tỷ phú mà nghe tên chắc hẳn dân đầu tư chứng khoán ai cũng một lần nghe đến như: Huyền thoại xứ Omaha Warren Buffett, Peter Lynch, Charlie Munger, Ray Dalio hay George Soros…Để có được tài sản tỷ USD thì đặc điểm chung các tỷ phú này làm là gì?
Vâng đó là
- Xác định cho mình một quan điểm đầu tư đúng đắn
- Hợp thời, hợp tính cách
- Quan trọng nhất của phương pháp đầu tư đấy là dựa trên một mục tiêu để xây dựng nên một chiến lược đầu tư.hiệu quả và bền vững lâu dài.
Trải qua thời gian đầu tư hơn 5 năm từ lúc thị trường chứng khoán vào chân sóng cuối 2015 cho đến đỉnh tháng 4/ 2018 và giờ là đang trải qua giai đoạn suy thoái 2020, mình đã xoay chuyển rất nhiều phương pháp đầu tư nắm được những ưu điểm và rủi ro của từng phương pháp để bây giờ chọn lựa phương pháp đầu tư phù hợp nhất cho bản thân.
Không có phương pháp đầu tư nào đúng và sai chỉ có phương pháp nào giúp bạn kiếm được tiền và nhiều tiền!!!
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu 5 phương pháp đầu tư phổ biến và sau đấy tự bạn đánh giá xem “Chính mình đang là kiểu nào?” nhé!!
Okie bắt đầu nào!
I.Trường phái đầu tư giá trị (Value Investing Philosophy)
1. Chiến thuật đầu tư theo trường phái giá trị
Đây là một chiến lược đầu tư mà bạn lựa chọn các cổ phiếu có giá trị nội tại cao hơn thị giá, hoặc những cổ phiếu có PE thấp hơn so với những cổ phiếu tương quan.
Bạn quan tâm đến điều gì khi đầu tư
Giá trị tài sản (Value) hay Giá (thị giá) của nó?
- Giá (thị giá) được quyết định bởi cung cầu, khi lượng cầu (Demand) lớn hơn nguồn cung (Supply) trong ngắn hạn thì giá của cổ phiếu sẽ tăng nhanh vượt giá trị “thực” của cổ phiếu thậm chí một số trường hợp tình trạng đầu cơ cực cao làm giá “tăng chóng mặt , x2, x3 lần” tạo nên tình trạng bong bóng.
- Ngược lại, khi cầu < cung, trên thị trường chỉ có người bán không có người mua thì cổ phiếu bị bán với mức giá thấp không tưởng, dưới giá trị thực của doanh nghiệp thì…
…cơ hội cho chúng ta đây rồi
Săn những cổ phiếu bị “chê”, bị bán tháo vì những lý do tiêu cực ngắn hạn dẫn đến tình trạng bán tháo và giá cổ phiếu về mức thấp hấp dẫn.
Giá trị doanh nghiệp là thứ chúng ta đi tìm kiếm
Hãy tư duy như một ông chủ
Bản chất của đầu tư giá trị
Mua hàng với giá đang sales off- phương châm của phương pháp giá trị
Ai chả thích mua hàng lúc có chương trình khuyến mãi nhỉ,
Chúng ta thích những dịp shopping mua hàng giảm giá cực mạnh ‘Sales off up to 50%” của các hãng thương hiệu lớn và sản phẩm tốt.
Cổ phiếu cũng vậy
Trong 1 năm trung bình sẽ có 2-3 lần thị trường vì một vài lí do nào đấy (vĩ mô hay thay đổi chính sách…) trong ngắn hạn mà hầu hết cổ phiếu bị bán rất mạnh tạo ra một mặt bằng giá khá rẻ, thậm chí có những cổ phiếu bị bán thái quá không tương xứng với lợi nhuận mà doanh nghiệp đang làm ra.
Vì thế những nhà đầu tư giá trị sẽ đi”săn” những dịp như thế.
Tóm lại, đầu tư giá trị chỉ có 2 bước đơn giản:
- Bước 1: Tìm kiếm Doanh nghiệp đáp ứng đủ các chỉ tiêu về con số và tiềm năng phát triển trong tương lai (nhìn được tương lai nó phát triển đến đâu).
- Bước 2: Đợi- Đợi- Đợi gom hàng mua vào lúc giá thấp hơn giá trị thật của nó với một “Biên an toàn”.
Đơn giản đúng không nhưng không dễ
Vì…
Có những rủi ro mà bạn phải nhận ra trước khi quyết định mua một cổ phiếu bởi “món ngon không hề dễ dàng có được”.
2. Rủi ro đầu tư
Nghe có vẻ hấp dẫn khi rõ ràng ta đã xác định được 2 yếu tố:
- Doanh nghiệp làm ăn tốt (doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng từng kì)
- Giá đang rẻ hơn so với giá trị thực của nó.
Nhưng liệu bạn có vượt qua được những cảm xúc tâm lý khi đầu tư giá trị hay không?
“Đầu tư giá trị” dành cho nhóm người “tẻ nhạt”, tách rời với thị trường một lối đi riêng
Rất đúng các bạn ạ vì:
- Thị trường không hiệu quả nên giá khó tăng bởi nhiều yếu tố liên quan đến ngành nghề các nhóm lợi ích khác nhau.
- Khó được NĐT nhận ra: Nhà đầu tư cần khá nhiều kiến thức chuyên môn để có thể đánh giá được giá trị của doanh nghiệp là đang đắt hay rẻ.
Có một điều mình thấy rất “khó hiểu” là phần lớn nhà đầu tư dù mới hay thậm chí có kinh nghiệm 10 năm vẫn mắc sai lầm là :
TH1: Giá cổ phiếu HAG có 10.000đ/ cp trong khi đỉnh nó là 40.000/ cp, rẻ quá rồi kiểu nào nó chả về lại đỉnh cũ—-> Múc (Mình nghe bạn mình nói câu này vào 2017 lúc giá 10.000đ và giờ thì… 3000đ/cp)
TH2: Trời ơi, cổ phiếu CTD nó giảm hơn 40% rồi, thấp hơn giá trị rồi, doanh nghiệp vẫn làm ăn ngon mà—> Múc ( Một người bạn khác nói lúc CTD từ giá 200.000 về còn 160.000 và giờ nó còn 45.000 sau chia @@)
Please, “giá trị” không phải “giá cả”nhé các bạn.
Chính những cái hiểu sai lầm vậy đã dẫn đến những kết quả đầu tư tệ hại.
Nên phương pháp đầu tư giá trị thực sự khó để nhận ra và chọn lựa đúng dù phải công nhận nếu bạn chọn đúng cổ phiếu giá trị, mua và nắm giữ thì khả năng bạn gia tăng tài sản cực lớn (tính bằng lần chứ không hẳn tính bằng % đâu nhé).
Rủi ro cuối cùng là:
- Thời gian chờ đợi tăng giá dài.
Đã có rất nhiều người “chết trước cửa thiên đàng”
Tức chờ rất lâu chịu không nổi nên bán và sau đấy cổ phiếu tăng mạnh
Khi đầu tư cổ phiếu dạng này vì chờ quá lâu, bạn không biết chắc được khi nào thị trường mới nhận ra giá trị thực của cổ phiếu đó, khi nào nhà đầu tư khác cũng đang “ngửi” thấy sự hấp dẫn của cổ phiếu này.
Và khi rất ít người nhận ra
Cổ phiếu hiển nhiên cứ đi ngang, thậm chí giảm vì nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn sẽ bán ra.
Thời gian bạn chờ đợi 1 cổ phiếu tăng giá có thể nhanh là 3 tháng, 6 tháng, có cổ phiếu cả 1 năm thậm chí nhiều cổ phiếu 2-3 năm vẫn không tăng.
Đây là rủi ro theo mình là lớn nhất, có thể gọi là chướng ngại tâm lý lớn nhất mà bất kỳ nhà đầu tư giá trị nào cũng gặp phải.
Nếu bạn không có đủ cái đầu lạnh để bỏ qua hết những xúc cảm bên ngoài thị trường, tuân thủ chiến lược đầu tư giá trị ban đầu sẽ giúp bạn “đứng ngoài” biến động giá hằng ngày, bỏ những cơ hội hấp dẫn ngắn hạn khác thì bạn mới trở thành người chiến thắng trên thị trường được.
II. Trường phái đầu tư tăng trưởng
1.Chiến thuật đầu tư tăng trưởng
Tương tự như đầu tư giá trị, tuy nhiên điểm khác biệt là nhà đầu tư chấp nhận cả những
cổ phiếu có tỷ lệ P/E cao, điểm đặc biệt là những cổ phiếu có mức độ tăng trưởng cao.
Thứ chúng ta tìm kiếm là gì?
Đó là những doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng liên tục từ 2 đến 5 năm với tỷ lệ trên 20%.
Và có những quý/ năm doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kì vì doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế hay vào đúng chu kì ngành.
Câu hỏi đặt ra: tăng trưởng đến từ đâu?
Phải chắc chắn một điều với trường phái đầu tư tăng trưởng thì tăng trưởng nó phải đến từ sản phẩm/ dịch vụ cốt lõi của chính doanh nghiệp đấy (core business).
Chứ không phải doanh thu/ lợi nhuận tăng đột biến do chuyển nhượng hay thanh lý tài sản mà có.
CASE STUDY: MWG
Từ 2016 đến 2018 là khoảng thời gian huy hoàng của MWG (Công ty cổ phần Thế giới di động).
Vào giai đoạn 2016 tốc độ tăng trưởng của chuỗi kinh doanh thegioididong.com của MWG đang dần chậm lại thì vào lúc này Điện Máy Xanh (ĐMX) bước vào thời kỳ “thu hoạch” sau thời gian chuẩn bị hơn 5 năm (ĐMX bắt đầu hoạt động từ 2011 nhưng phải đến 2015 chuỗi này mới bắt đầu được chú trọng vào đầu tư phát triển).
Có thể nói 2017 là điểm rơi lợi nhuận cực tốt với chuỗi ĐMX.
Bạn có thể mình sơ lược qua rõ ràng của 1 doanh nghiệp tăng trưởng với Doanh thu tăng trưởng hằng năm trung bình 30% với biên lợi nhuận gộp tăng trung bình gần 40%.
wow con số rất ấn tượng đúng không?
Và MWG cực kì khôn ngoan trong việc thay đổi chiến lược kinh doanh.
Khi đã thành công trong 1 mảng kinh doanh chuỗi thegioididong.com, ban lãnh đạo MWG đánh giá chuỗi thegioididong.com không còn là động lực tăng trưởng chính, do đó MWG sẽ phải…
…tìm đến các hướng đi khác.
ĐMX được đầu tư phát triển mạnh từ 2015 và cho thành quả từ đầu 2017.
Sau ĐMX chúng ta thấy một Bách Hóa Xanh (BHX) ngày càng phủ khắp các thành phố từ 2018 trở đi.
Câu chuyện MWG vẫn là một doanh nghiệp mà mình rất thích từ chính cái “tâm, tầm” của anh Tài và đội ngũ ban lãnh đạo cùng toàn bộ nhân viên.
Đó cũng là lí do tại sao MWG luôn có trong danh mục của hầu như dân đầu tư “tăng trưởng”.
DỊCH COVID 19- BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI
Chúng ta đang ở giai đoạn suy thoái kinh tế nặng bởi sự cộng hưởng của tốc độ kinh tế suy giảm và nạn dịch làm tê liệt mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
MWG đã phải đóng cửa khá nhiều chuỗi ĐMX và Thegioididong.com trên 2 thành phố lớn theo chỉ thị “Cách ly toàn xã hội” của Chính phủ.
Chính giai đoạn này, chuỗi Bách Hóa Xanh đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh và sẽ lấy thách thức này làm cơ hội mở rộng thị phần. Tính đến cuối tháng 2 có 1068 cửa hàng đang hoạt động và doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,2 tỷ đồng tăng 33,33% so với 2019 chỉ 900 triệu mỗi cửa hàng.
Dịch Covid đã làm cho MWG giảm giá mạnh gần 50% chỉ trong 2 tháng nên chúng ta vẫn có thể xét MWG là 1 case “đầu tư tăng trưởng” trong tương lai.
2. Rủi ro đầu tư
Khi sự kì vọng về mức độ tăng trưởng của cổ phiếu không như kì vọng, sẽ có một sự sụt giảm mạnh về giá do thay đổi khả năng chấp nhận PE cao.
VD: PTB, SKG, VNM, TLG
III. Trường phái đầu tư kỹ thuật
1. Chiến lược đầu tư phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung – cầu đối với cổ phiếu để chỉ ra cách ứng xử trước mắt, tức chỉ cho nhà phân tích thời điểm nên mua vào, bán ra hay giữ cổ phiếu trên thị trường.
Quan điểm rằng giá trị nội tại không tồn tại (hoặc nếu tồn tại thì phải bằng thị giá)
Giá diễn tả tâm lý của con người vì thế khả năng lập lại (có tính lịch sử)
Trên thị trường chứng khoán có rất nhiều trường phái đầu tư, mỗi trường phái có những ưu điểm và rủi ro khác nhau.
Và đây là trường phái đông đảo nhất, được nhiều nhà đầu tư sử dụng nhất vì:
Đơn giản và vì
LƯỜI…
Trong một ngày mình có thể xem chục cổ phiếu, thậm chí hằng trăm cổ phiếu bằng các công cụ hay mình có hẳn bộ lọc chỉ cần enter là ra được những cổ phiếu có chỉ báo MUA.
Còn để đào sâu 1 doanh nghiệp bạn mất cả tuần là ít
Bạn không cần phải có kiến thức chuyên môn về doanh nghiệp, không cần đọc hiểu các con số rối mắt trong BCTC, không quan tâm doanh nghiệp đó làm ăn ra sao…
Thứ duy nhất bạn quan tâm đến sự biến động giá từng giây của nến, đồ thị.
Các biểu đồ và chỉ báo được tính toán dựa trên 2 yếu tố cơ bản là giá và khối lượng giao dịch nhờ những phần mềm như Amibroker hay Metastock.
Mỗi nhà đầu tư đều có thể trở thành “chuyên gia” trong chính môn phái của mình, chỉ cần:
Tuân thủ kỉ luật và chiến lược đầu tư đặt ra ban đầu.
Quan điểm phải nhất quán
Trong hơn 5 năm kinh nghiệm tự đầu tư và 3 năm làm công việc tư vấn và quản lý hàng trăm nhà đầu tư khác nhau từ vốn vài chục triệu đến 100 tỷ.
Mình chắc chắn một điều
Ai cũng từng mắc phải tư duy không nhất quán quan điểm đầu tư này (mình từng mắc phải và trả giá khá đắt).
“ Mua bằng cơ bản- Bán bằng kỹ thuật”
“Mua bằng kỹ thuật- Bán bằng cơ bản”
SAI LẦM HOÀN TOÀN
Bạn đã từng mua 1 cổ phiếu sau một thời gian nghiên cứu thấy công ty đấy ra báo cáo tăng trưởng lợi nhuận tốt.
Và sau đấy hối hả bán vì một nhịp chỉnh của thị trường chung làm bạn lỗ 7% chưa??
Hay bạn mua 1 cổ phiếu vì “breakout” tức cổ phiếu phá đỉnh và sau đấy cổ phiếu quay đầu giảm và bạn vẫn giữ cổ phiếu với thuyết “tự thuyết phục bản thân” rằng : Ủa doanh nghiệp nó tốt mà, không lí gì giảm vậy!!!
Và rồi
Bạn giữ cổ phiếu là chịu lỗ tận 30% sau đó khi cổ phiếu giảm mạnh không?
Điều này rất thường xuyên bắt gặp ở các nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật.
Những loại chỉ báo kỹ thuật
Có hàng trăm chỉ báo kỹ thuật được đưa ra để mô tả mối quan hệ cung – cầu của cổ phiếu.
Những chỉ báo sử dụng nhiều nhất như:
- MA
- RSI
- Fibonacci
- Bollinger Band
Và hằng trăm chỉ báo khác nhau nhưng tựu chung tất cả chỉ báo đều dựa trên giá và khối lượng.
Không có chỉ báo nào đúng hay sai mà chỉ cần bạn kết hợp sử dụng các chỉ báo và hiểu cách hoạt động của chúng thì bạn có thể kiếm được tiền.
Riêng cá nhân bản thân mình, có sử dụng PTKT để xác định điểm vào hợp lý và mình chỉ sử dụng price action (Giá và khối lượng).
2. Rủi ro đầu tư
Với thị trường mà vốn hóa còn bé, thì rủi ro không đánh giá được chính xác là tâm lý NĐT
Là tâm lý đấy các bạn, bạn nghe không nhầm đâu
Nói không ngoa” thị trường chứng khoán là thị trường tâm lý” bởi giữa hàng trăm nghìn nhà đầu tư, cùng 1 sàn chứng khoán, cùng 1 thời điểm
Có người bán, có người mua
Chính điều đó mới tạo ra thị trường, có đầu cơ mới tạo nên sự vận động của giá.
Chứ nếu ai cũng theo trường phái giá trị hay tăng trưởng, mua nắm giữ cổ phiếu thì làm sao có sự vận động tăng giảm giá của cổ phiếu.
Nhà đầu tư theo trường phái kĩ thuật thật sự rất nhanh nhạy, khôn ngoan và có chiến thuật hợp lý mới chiến thắng được những nhà đầu tư thiếu hiểu biết và tâm lý không vững.
Sự tham gia của đội lái
Ai tham gia trên thị trường cũng phải biết đến thành phần này
Đội lái hay các nhóm nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư hay thậm chí là nhà tạo lập (ban lãnh đạo doanh nghiệp) tham gia vào thị trường để điều tiết thanh khoản trên thị trường, thực hiện các mục đích riêng…
Họ là người nắm cuộc chơi, điều khiển sự biến động của giá cả
Vì bản chất phân tích kỹ thuật là sự mô phỏng lịch sử (lịch sử có tính lặp lại) và họ hiểu rõ tâm lý của nhà đầu tư theo trường phái này.
Nên đã lợi dụng và tạo ra đợt tăng giảm giá ảo để đánh văng những nhà đầu tư yếu ớt
Hay vẽ chart
Họ biết bạn đang sử dụng chỉ báo nào nên “cố tình” vẽ và bạn sẽ sập hố nếu không nhanh nhạy và hiểu được ý đồ của các tay to.
Khi có sự tham gia của đội lái thì câu chuyện luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Về dài hạn nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, tạo ra lợi nhuận thì tự động giá cổ phiếu sẽ phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.
Nhưng ngắn hạn vài ngày, vài tuần hay vài tháng
Thì không chắc
Bạn phải phụ thuộc khá nhiều vào ý đồ của nhà cái
TÓM LẠI
Với trường phái kỹ thuật mình đánh giá thật sự phù hợp với những bạn rất nhanh nhạy với thị trường và CÓ KỈ LUẬT và quản trị vốn tốt. Đã có rất nhiều nhà đầu tư thành công, trở thành triệu phú với trường phái này rồi nhưng ở đâu cũng vậy đó lại là số ít.
Bạn nên là “chuyên gia” trong chính một môn phái nào đó thì tốt hơn.
Nếu không bạn sớm “OUT” thị trường mà không hiểu lí do vì sao thua đấy.
VD: SHN, ITQ, VC3,…
IV. Trường phái đầu tư theo thông tin
1. Chiến lược đầu tư theo thông tin
Quan điểm giá trị nội tại không tồn tại mà chỉ quan tâm đến thị giá, quyết định đầu tư thông qua các quan tin quan trọng – những thông tin có thể làm thay đổi thị giá
Bạn tin không có rất nhiều người mua bán cổ phiếu dựa vào tin
Tin mật từ một người tay to mặt lớn trong doanh nghiệp đó
Tin F1 từ kế toán trưởng
….
Nếu bạn không phải là chủ của doanh nghiệp trên sàn thì mình khuyên bạn chỉ tham khảo thông tin thôi
Thông tin trên các trang báo mạng có tiếng cũng chỉ là media kéo điều hướng dư luận thôi. Bởi các anh chị viết báo không có trong công ty đấy làm sao đủ thông tin chính xác.
Các anh chị ấy cũng chỉ là người đưa thông tin từ một “đối tác” nào đấy còn bạn- vẫn phải là người đánh giá tính chính xác, rủi ro để ra quyết định đầu tư.
Hãy tìm hiểu thật kỹ một doanh nghiệp từ chính website của nó để xem có sự thay đổi bất thường nào hay không? Có những thủ thuật tìm kiếm cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ sự thay đổi trong cấu trúc website của chính doanh nghiệp đó (nếu bạn để ý kĩ)
Lời khuyên dành cho bạn:
- Luôn luôn đánh giá nguồn tin: đáng tin cậy hay không?
- Mức độ chính xác của thông tin đấy là gì?
- Nếu thông tin đấy là thật thì hành động tiếp theo là gì và nếu sai thì xử lý làm sao?
Trả lời 3 câu hỏi trên
Và ra chiến lược hành động chứ đừng vội tin ngay sau khi nghe thông tin hay tin tưởng người đưa tin cho bạn quá.
CASE STUDY
Hôm đấy phiên chiều bạn của mình (làm bên 1 Quỹ đầu tư) nhắn cho mình lúc 13h30 bảo:
-Phương ơi, nay các Quỹ họ chốt NAV có khả năng đẩy giá cuối phiên, Phương xem danh mục này Khách hàng nào có thì cuối phiên đặt giá trần bán đi, hôm sau nó xả ra hết đó nhé!
Mình đánh giá thông tin:
- Mức độ tin cậy: Đây là bạn thân của mình đang làm bên Quỹ đầu tư và có mối quan hệ mật thiết các Quỹ lớn. Mình cũng từng làm việc chung với bạn này, okie là một người có tâm và rất giỏi.
- Mức độ chính xác của tin: Chính xác hôm đấy 28/6/2019 là các Quỹ chốt sổ thật
- Chiến lược hành động: Danh mục KH mình có ACV đang lời 2%, bây giờ nếu cuối phiên trần (UPCOM) sẽ tăng 14%, nếu không khớp thì không làm sao cả.
Okie let’s do it
Mình đã đặt bán 50% danh mục ACV với giá 96.000 đ (giá trần: 98.000 đ) vì mình có sự tính toán “dưới 1-2 giá vẫn tốt hơn”.
Vậy là vào lúc 14:59:55, ACV vẫn đang giao dịch giá tham chiếu thì “ĐÙNG” gần 500k cổ khớp trong 5 giây với giá cao hơn giá mình đặt 1.000 đồng và không chạm giá trần.
Đây là có thể xem là pha đầu tư theo tin thành công nhất của mình.
Bởi có lợi thế thông tin và quan trọng nhất là ra quyết định đúng.
3. Rủi ro đầu tư
Đó là “nằm ở mức độ chính xác của thông tin”
Có nhiều nhà đầu tư rất hay lên các trang diễn đàn chứng khoán, các group để tham khảo thông tin
Nghe cả trăm thông tin về cổ phiếu đang nắm giữ
Đó là một cách cũng okie, bạn có thể thấy được muôn vàn phân tích, ý kiến, biểu cảm, cảm xúc của từng nhà đầu tư trên thị trường để bạn biết tình cảnh chung mọi người đang ra sao.
Dạng tâm lý học đấy 😀
Tuy nhiên bạn sẽ rất dễ “tẩu hỏa nhập ma” nếu như nghe những thông tin không chính thống đấy và dễ ra quyết định sai lầm.
Tốt nhất hãy tránh xa việc nghe ngóng thông tin nhiễu quá nhiều từ các group. Vì đó là group “lợi ích” sẽ có người chia sẻ thật tâm nhưng cũng có người “lùa gà” nhằm mục đích không chính đáng.
Lời khuyên của mình dành cho bạn cũng có thể phù hợp với người này, không phù hợp với người kia.
Nhưng mình vẫn muốn chia sẻ dù rất dài, đọc mắc mệt và đôi khi đọc nó không chuyên nghiệp cho lắm vì đây là blog của mình, mình muốn nói những khía cạnh cơ bản nhất, thực tế nhất và chân thật nhất từ kinh nghiệm xương máu của mình cho bạn. Để bạn không bị mất tiền OAN như mình thôi
Kiếm tiền vất vả lắm các bạn nên bạn chịu khó học hỏi trên các website, blog chia sẻ như này nhé!
V. Đầu tư theo trường phái của Phuonginvestor.com
NỀN TẢNG: đầu tư tăng trưởng bền vững
TRIẾT LÝ:
- Lợi nhuận bền vững
- Hạn chế rủi ro: thị trường chứng khoán vốn rất rủi ro, đừng tăng thêm rủi ro trong quyết định đầu tư của bạn
- Giữ tiền: Kiếm tiền trên trên thị trường rất khó, nhưng giữ tiền càng khó hơn.
Mình đã cùng nhau đi qua 4 trường phái đầu tư, mỗi trường phái có những điểm hay và rủi ro khác nhau.
Phù hợp với từng nhà đầu tư khác nhau phụ thuộc vào:
- Tích cách: mức độ chấp nhận rủi ro của bạn là bao nhiêu
- Thời gian: Với người có nhiều thời gian dành cho công việc đầu tư chứng khoán thì PTKT và đầu tư tăng trưởng khá phù hợp với các bạn vì bạn hằng ngày có thể 9AM- 3PM có thể bảng giá theo dõi và mua bán ăn chênh lệch giá.
- Loại hình vốn: vốn vay mượn hay vốn nhàn rỗi
Riêng bản thân Phương có phương pháp riêng cho mình mà đến hiện tại bây giờ nó vẫn đúng và giúp Phương kiếm được lợi nhuận khá tốt so với tỷ lệ tăng trưởng của vnindex.
Mình vẫn lặp lại rằng: Không có trường phái đầu tư nào đúng và sai, chỉ có trường phái phù hợp và giúp bạn kiếm được tiền.
Mình lựa chọn trường phái “đầu tư tăng trưởng bền vững” và phối hợp với phương pháp “dòng tiền”.
Đối với mình đầu tư giá trị ở Việt Nam thật sự khó, rất khó
Chắc chắn bạn khi vào thị trường đều được chỉ cho cách đầu tư, rồi những quyển sách của ngài Warren Buffett về phương pháp đầu tư giá trị
(Tìm hiểu thêm: 5 điều người mới cần chuẩn bị nếu muốn đầu tư thành công ở thị trường chứng khoán Việt Nam)
Mình xin lỗi các bạn một điều bạn mà đầu tư theo ngài ấy ở thị trường Việt Nam mà kiến thức không vững là rất dễ thua.
Ngài ấy ở vị thế khác bạn rất nhiều, mua và sở hữu công ty đó.
- Là người có tầm nhìn 10 năm- 20 năm một doanh nghiệp, một ngành nghề
- Là tham gia vào vận hành doanh nghiệp là vai trò vận hành doanh nghiệp đấy.
- Là người nắm cuộc chơi.
Phải thừa nhận phương pháp và thành quả những gì mà Ngài ấy có là không thể không thừa nhận
Hoặc nếu bạn có thể sử dụng phương pháp đầu tư của Ngài ấy và kiếm lợi nhuận cao thì mình chúc mừng bạn và nếu có dịp cũng muốn bạn chia sẻ dưới bài viết này nhé.
Còn riêng bản thân mình trải qua nhiều năm đầu tư, quản lý nhiều kiểu khách hàng khác nhau, thảo luận phân tích cùng nhiều anh chị làm bên Quỹ rất giỏi thì mình thấy họ đều luôn miệng bảo “đầu tư giá trị theo phương pháp của Warren Buffett” nhưng rõ ràng hành động đầu tư của họ không giống.
Khi bạn xác định mua cổ phiếu đó và giữ ít nhất 5 năm thì hẵn suy nghĩ đến phương pháp đầu tư giá trị.
Đầu tư giá trị sẽ phù hợp với giai đoạn thị trường vào suy thoái, cổ phiếu bị bán rẻ như cám (như bây giờ, đại dịch Corona đã và đang làm giá trị nhiều doanh nghiệp giảm đáng kể) thì mới xuất hiện nhiều cổ phiếu “undervalued” và chúng ta sẽ mua những cổ phiếu đấy chờ ngày hái quả thôi.
Với giai đoạn 2015-2016 rất nhiều nhà đầu tư thắng lớn.
“Em giờ nhắm mắt mua cổ phiếu nào trên sàn cũng lời”- một người anh trong phòng nói nửa đùa nửa thật với mình như vậy.
Ý của ảnh không phải bạn chọn cổ phiếu nào cũng được mà là xác suất kiếm lời khi mua giai đoạn đấy là cực lớn bởi giá cổ phiếu cuối 2015 đang rẻ, P/E toàn thị trường chỉ rơi vào 11 (thấp nhất các nước trong khu vực Đông Nam Á P/E đang dao động 14-15).
Vâng thời của đầu tư giá trị lên ngôi.
2018-2019 thì trường phái này thật sự không còn nhiều cơ hội nữa mà nó phân hóa và dòng tiền tìm kiếm cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Quay lại câu chuyện trường phái đầu tư
Luôn có chiến lược đầu tư rõ ràng đi “từ ngoài vào trong” và phải có một óc đầu tư nhanh nhạy.
Quản trị rủi ro
Thường trước khi mua cổ phiếu nào, mọi người sẽ nghĩ về “Lợi nhuận” trước như 20%, 30% thậm chí 50%
Nhưng ít ai suy nghĩ tới “rủi ro” sau khi mình mua sở hữu cổ phiếu đấy là gì?
Thậm chí nhiều nhà đầu tư còn ở tâm thế “mua thì có lời mới bán” chứ không có sự chuẩn bị kịch bản “quay đầu thua lỗ thì nên làm gì?”
Với Phương trước khi xuống tiền mình luôn xác định trước rủi ro mình chấp nhận khi đầu tư vào cổ phiếu đấy là gì?
Bởi..
Dù có phân tích kĩ lưỡng đến 99% thì bạn vẫn có 1% thua lỗ.
“Không quan trọng bạn đúng hay sai, quan trọng là đúng là lời bao nhiêu và sai thì bạn lỗ bao nhiêu”
Quan trọng nhất trong đầu tư theo mình phải xác định:
- Trả lời câu hỏi: Rủi ro lớn nhất bạn chấp nhận khi mua cổ phiếu này là gì?
- Nếu sau khi mua cổ phiếu nó giảm về 10% thì hành động tiếp theo là gì?
Sẽ có một bài nói rõ chi tiết về cách quản trị rủi ro trong đầu tư, mình sẽ chia sẻ kĩ hơn nhé!
# Đánh giá vĩ mô
- Đánh giá thị trường chung (thế giới và Việt Nam), các chính sách để xem có những yếu tố tích cực/ tiêu cực nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế và đến từng nhóm ngành riêng biệt.
Ví dụ: Hiệp định thương mại CP-TPP được kí kết vào 8/3/2018 thì nhóm ngành dệt may được hưởng lợi vì thuế suất giảm về bằng 0 (TNG, TCM…)
Khi kinh tế suy thoái thể hiện qua tốc độ tăng trưởng của GPD giảm, chỉ số tiêu dùng CPI giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng dần… những dấu hiệu này bạn phải theo dõi để có kế hoạch phản ứng bởi thị trường chứng khoán là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên.
- Phân tích chu kì ngành (Đây là phần khó nhưng mình thích nhất- bởi nó cho bạn ăn được con sóng lớn và dài) để xác định ngành nào đang được hưởng lợi.
# Lựa chọn doanh nghiệp đúng mục tiêu
- Là DN đáp ứng các tiêu chí về doanh thu/ lợi nhuận tăng trưởng liên tục (tốt nhất là trên 20%) ít nhất 2 quý liên tiếp (lúc này bạn để vào danh mục theo dõi được rồi)
- P/E đang ở mức thấp hơn hoặc ngang với trung bình ngành.
- Các chỉ số tài chính khác (nợ/ tài sản; tiền mặt, ROA,ROE…) và ban lãnh đạo.
# Xác định vùng giá mua và quan sát dòng tiền
Sau khi xác định cổ phiếu mục tiêu, việc quan trọng tiếp theo là mua giá nào, mua như thế nào…
- Xác định biên an toàn: tức là vùng giá mà cổ phiếu đang có một mức chiết khấu tốt so với giá trị thực của nó (tầm 15-20% là mình thấy cân nhắc được rồi)
- Phân bổ vốn đầu tư và cách mua
- Theo dõi dòng tiền (tức thanh khoản thị trường, lực mua bán của thị trường ở cổ phiếu đấy trong 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng là như thế nào)
Đây là một dạng của PTKT nhé các bạn
Nhìn giá và khối lượng (Price Action) để đoán được “dòng tiền thông minh” đang đổ vào đâu.
Tada cuối cùng mình cũng đang trình bày xong 5 trường phái đầu tư cơ bản được sử dụng phổ biến ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hoặc bạn có thể biến hóa làm sao nó phù hợp với bạn nhất để kiếm ra tiền thì đấy lại là một trường phái của riêng bạn rồi.
Các trường phải chỉ là để bạn tham khảo bước đầu và sau đấy trải qua sự biến động thay đổi liên tục của thị trường chúng ta mới xác định được mình phù hợp trường phái nào.
Không có công thức chung cho người chiến thắng trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Chỉ có tầm 5% số người đầu tư thắng lợi và điểm chung duy nhất đó là: Kỉ luật theo đúng mục tiêu mình đặt ra
Thông qua bài này mình hy vọng bạn sẽ có cho mình phương pháp đầu tư hiệu quả và thành công trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chúc các bạn thành công!