Làm thế nào để có thể tiết kiệm tiền và mua được nhà luôn là mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất của đại đa số mọi người trong cuộc sống.
Đặc biệt nếu bạn đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài gòn, Đà Nẵng.. và muốn định cư ở đây thì quả thực cái áp lực có nhà nó càng lớn hơn.
Với người có thu nhập trung bình (rơi vào khoảng 10-15 triệu/ tháng), việc mua nhà thật không dễ dàng nhưng… không phải không có cách.
Vẫn trong khả năng của bạn nếu bạn biết tiết kiệm sớm và đầu tư đúng đắn ngay từ bây giờ.
1. Bạn có tin với tiết kiệm có thể giúp bạn mua được nhà?
Câu hỏi Phương đặt ra là “Có tin hay không?”
Nghe có vẻ hơi trừu tượng nhưng nó rất thực tế
Bởi sự giàu có của 1 người đến từ niềm tin của bản thân người đó với chính mình về mục tiêu họ muốn chinh phục
Có câu nói thế này
“ Nếu bạn tin mình có thể làm được thì chắc chắn cơ hội sẽ đến với bạn. Còn ngược lại, nếu đã không tin thì dù cơ hội bày ra trước mắt bạn cũng chẳng bao giờ nắm bắt và đạt được mục tiêu”
Trong nhóm bạn đại học chơi chung 5 đứa, sau 4 năm ra trường cuộc sống mỗi người mỗi khác.
Xuất phát điểm mỗi đứa đều như nhau, ra trường đi làm thuê tháng từ 8 triệu lên 10 rồi 15, 20 thậm chí 50 triệu mỗi tháng.
Thế nhưng bây giờ cuộc sống mỗi đứa rất khác biệt
# Câu chuyện cậu bạn “hào phóng” của Phương
Ra trường vì nó lanh lợi nên thu nhập rất tốt rồi cũng được lên teamleader. Cuộc sống của cậu ấy khiến người khác phải ngưỡng mộ vì đi du lịch, mua sắm hàng hiệu thường xuyên.
Bạn ấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, cuộc gặp gỡ nào bạn ấy cũng hào phóng mời tất cả mọi người đi ăn ở nơi sang trọng vì bạn ấy kiếm tiền tốt nhất đám mà.
Tuy nhiên khi có gia đình, bạn ấy bị áp lực nghiêm trọng vì trong tài khoản lúc nào cũng hụt tiền.
Cuộc sống gia đình có nhiều chi phí phát sinh khiến bạn ấy không biết xử lý như thế nào và thường xuyên rơi vào trạng thái khó khăn dù lương cũng cao.
Chỉ bởi vì thói quen tiêu xài “hào phóng” có nhiêu xài nhiêu của bạn ấy. Thu nhập càng cao càng chi tiêu nhiều nên đến cuối cùng vẫn không thể dư giả được đồng nào cho tương lai.
# Câu chuyện cô tiểu thư “tiết kiệm”
Cũng trong nhóm 5 đứa, cô bạn tiểu thư trông có vẻ như chẳng biết gì về quản lý tiền bạc và lại sinh ra trong gia đình khá giả nên mọi người cũng nghĩ cuộc sống của bạn ấy không cần lo toan tiền bạc.
Thế nhưng khi ra trường bạn ấy vẫn đi làm 1 lúc 2 công việc, cũng có chi tiêu cho cá nhân nhưng có 1 điều mọi người phải nể phục vì bạn ấy:
- Luôn trích 10% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm
- 10 % thu nhập để đầu tư chứng khoán
Nhờ vào việc bạn ấy được gia đình giáo dục về tính tự lập, quản lý tiền bạc từ nhỏ bên khi lớn lên bạn ấy vẫn duy trì thói quen tốt vậy.
Chưa kể sự nhạy bén trong đầu tư, nắm bắt cơ hội tốt nên các khoản đầu tư của bạn ấy gia tăng khá tốt.
Và giờ thì nó là đứa mua nhà sớm nhất nhóm :)) Chúc mừng bạn ấy
# Lời khuyên dành cho bạn
Mỗi người đều có một mục tiêu riêng trong cuộc sống để hướng đến.
Và dù nó là gì thì cũng phải có niềm tin mãnh liệt về mục tiêu đó và sớm biết tiết kiệm càng sớm càng tốt.
Ai cũng có thể tiết kiệm, ngay cả một đứa bé vẫn tiết kiệm tiền ăn vặt, tiền lì xì để mua được món đồ nó thích.
Thì không có lí do gì bạn không thể bỏ qua những sở thích tốn kém, không quá cần thiết để đạt được cuộc sống tự do, thoải mái trong tương lai.
Vấn đề là bắt đầu từ đâu?
2. Lên kế hoạch tiết kiệm để đạt mục tiêu X
# Xác định mục tiêu là gì? Thời gian thực hiện
Mục tiêu phải rõ ràng, cụ thể và hình dung được bằng, tính toán đo lường được.
– Mua chung cư cao cấp 2 phòng ngủ rộng 65 m2
– Mua xe hơi (BMW 320i)
– Nghỉ hưu
– Đám cưới ở Bali
….
Ngay sau khi xác định được mục tiêu, mục tiêu đó phải định lượng được bằng con số và thời gian hoàn thành.
Mục tiêu | Tài chính | Thời gian |
Căn hộ cao cấp, 2 PN rộng 65 m2 tại quận 7, HCM | 3 tỷ | Năm 29 tuổi ( Còn 5 năm nữa) |
Mua xe hơi (BMW 320 i) | 2 tỷ | Năm 35 tuổi |
Tất cả mục tiêu phải viết rõ ra vậy bạn mới hình dung rõ được con số và bắt đầu tiết kiệm, gia tăng thu nhập nhằm đạt mục tiêu đó.
#Năng lực tài chính cá nhân đang ra sao?
Đây là điều cực kì quan trọng để xác định xem rằng liệu mục tiêu của bạn có khả thi hay không?
Hãy cụ thể ra tình trạng tài chính của bạn (nếu bạn chưa thành thạo về việc phân bổ tài sản danh mục đầu tư thì hãy liên hệ với chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân của một Quỹ đầu tư nào đó mà bạn quan tâm).
- Thu nhập trung bình mỗi tháng đang bao nhiêu?
- Có phải nuôi gia đình hay ai khác không?
- Tình trạng nợ/ cho vay nợ:
- Khoản tiết kiệm đang có:
- Khoản đầu tư đang có:
- Khoản tiền dự phòng/ tích lũy dùng trong trường hợp khẩn cấp
# Tính toán số tiền cần tiết kiệm mỗi tháng để đạt mục tiêu X
Bạn nào sành về exel có thể chạy hàm để tính toán được số năm, số tiền mình có thể tiết kiệm để đạt mục tiêu X
Còn bạn nào chưa có công thức thì bấm vào link này để Phương gửi cho bạn qua mail, bạn hoàn toàn có thể tự thiết kế danh mục tiết kiệm, đầu tư cho mình luôn nhé.
Để có được 3 tỷ đồng trong 5 năm tới, với tình hình tài chính của bạn…
Bạn sẽ cần tiết kiệm 3.63 triệu đồng/tháng, tương đương 18% thu nhập hàng tháng.
Không quá nhiều phải không?
Bản thân Phương mỗi tháng vẫn luôn dành ra 20%-30% thu nhập để đầu tư vì mình là dân trong nghề tư vấn đầu tư chứng khoán nên con số đó cao hơn bình thường.
Và trích 10% thu nhập cho tiết kiệm.
Và Phương chỉ sử dụng phần còn lại để sinh hoạt, chi tiêu… há há hơi tiết kiệm chút nhưng không sao Phương vẫn thấy thoải mái với cuộc sống và cách làm hiện tại 😉
Để đạt được mục tiêu này
Điều quan trọng là…
Bạn đã lên kế hoạch cho mình và đã thực hiện nó như thế nào rồi?
#Các cách để gia tăng số tiền tiết kiệm mỗi tháng
Thật khó để mà mua nhà chỉ với thu nhập dưới 20 triệu và chỉ bằng cách tiết kiệm.
Để có thể đạt mục tiêu lớn, chúng ta có 2 biến số là: lãi suất và số tiền tiết kiệm mỗi tháng.
- Tăng lợi nhuận từ đầu tư:
+ Lựa chọn một kênh đầu tư tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng (lãi suất trung bình 6-7%/ năm chưa tính lạm phát, trượt giá.
+ Đầu tư vào Quỹ đầu tư hoặc chứng khoán với những cổ phiếu an toàn, hưởng cổ tức- bạn cần một nhà tư vấn chứng khoán để giúp bạn tăng tỷ suất lợi nhuận lên 15%-20% mỗi năm. - Tăng thu nhập bằng công việc thứ 2 part- time (bán thời gian): Chắc chắn là mình không phải siêu nhân để có thể làm song song 2 công việc toàn thời gian.
Có rất nhiều người kiếm tiền online để tăng thu nhập cực tốt:
+ Bán hàng online (Cộng tác viên): cộng tác với đối tác bán sản phẩm có chia hoa hồng cho người giới thiệu. Tận dụng khả năng, thời gian buổi tối bạn hoàn toàn có thể làm thêm công việc này.
+ Viết content: Có rất nhiều người có thu nhập cực kỳ tốt nhờ nghề viết lách, ví dụ như Phương đang có chuyên môn về tài chính cá nhân và đầu tư chứng khoán.
Nếu có 1 đối tác cần bài viết về phân tích cổ phiếu hay bài quản lý tài chính các nhân và nhuận bút là 500k/ bài viết 5k chữ thì Phương có thể dành 3 tiếng để viết bài.
Bạn hoàn toàn có thể viết bài mà bạn thấy mình có chuyên môn: review mỹ phẩm, viết bài về chăm sóc em bé sơ sinh, cách làm bánh…
+ Các công việc kiếm tiền online khác mà bạn có thể tìm hiểu: làm Affiliate marketing; dropshipping… - ….
Hãy thật chủ động với cuộc sống của mình bạn ạ, nếu bạn giỏi chuyên môn của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn hoàn toàn có thể kiếm được tiền từ chính công việc đó và sự chia sẻ của bạn đến với những người cần đến nó.
3. Các phương pháp tiết kiệm tiền hiệu quả “ 6 chiếc lọ thần thánh”
Chắc mọi người cũng đã nghe qua phương pháp tiết kiệm “6 chiếc lọ” rồi đúng không nhỉ?
Hiện tại Phương cũng đang áp dụng nó và kết quả cho thấy nó thật sự hiệu quả.
Phương pháp này được áp dụng đơn giản như sau: Chia đều thu nhập vào 5 lọ tương ứng với 6 tài khoản cá nhân khác nhau.
Thông thường Phương sẽ luôn chia thu nhập (từ lương, hoa hồng, thưởng, lợi nhuận từ kinh doanh, được cho tặng…) vào 6 loại tài khoản.
#Lọ thứ 1: Sinh hoạt (50%)
Đó là những khoản bắt buộc bạn phải chi tiêu dù thu nhập của bạn đang tăng hay giảm và không thể giảm quá mức cơ bản như tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, đi lại…
Mỗi tháng mình để 55% thu nhập của mình vào lọ này.
Tuy nhiên…
Khoảng thời gian lúc mới đi làm thu nhập còn thấp thì khoản chi thiết yếu của mình hầu như đều vượt quá 55%, có lúc lên 70%.
Vì vậy Phương đã phải điều chỉnh lại con số một liên tục bằng những nguồn thu khác hoặc là cắt giảm những thứ không cần thiết, không để nó thành thói quen và tự kỷ ám thị bởi con số “50%”
Sau 2 năm đi làm cho đến bây giờ thì Phương vẫn chưa thay đổi thói quen này, thậm chí chi tiêu thiết yếu nó chỉ còn 40% vì thu nhập của mình tăng lên.
Bạn nên cố gắng giảm con số này đi 1 cách hợp lý thì càng tốt và giúp bạn nhanh chóng đạt mục tiêu X sớm.
# Lọ thứ 2: Chi phí dành cho đầu tư (10%)
Bạn có nhớ cô nàng tiểu thư ở phần đầu mình có nhắc đến không?
Nếu chỉ tiết kiệm 10% hay 20% tiền tiết kiệm dài hạn thì cũng thật khó để bạn có thể mua được nhà, mất rất nhiều thời gian, nhiều khi hơn cả 10 năm :(((
Vậy điều gì đã giúp bạn ấy mua được nhà chỉ trong thời gian ngắn như vậy?
Một phần chính là nhờ khoản 10% này.
Với số tiền tiết kiệm từ 10% thu nhập, bạn nên tìm đến một kênh đầu tư vừa có tỷ suất sinh lợi tốt và cả tránh mất thời gian của bạn nếu bạn ngoài ngành.
Ví dụ như Phương dù trong ngành tài chính nhưng công việc tư vấn khách hàng khá bận và Phương đã ủy thác tài khoản của mình cho 1 Quỹ chuyên phụ trách đầu tư chứng khoán và khoản đầu tư vẫn đang duy trì rất ổn định với mức lãi suất 15%/năm trong 3 năm thị trường chứng khoán rất khó khăn.
Nhưng tỷ suất lợi nhuận vậy là đạt mục tiêu của Phương và nó giúp ích cho Phương rất nhiều trong tiến trình mua nhà ở Sài Gòn.
Và đây là khoản mà Phương luôn cố gắng gia tăng nhiều nhất chứ không chỉ 10% thu nhập.
Nếu bạn không có quá nhiều thời gian tìm hiểu chứng khoán, hay bạn ở ngoài ngành gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu theo Phương hãy tìm hiểu thật kỹ kênh đầu tư này và có thể đầu tư vào Quỹ- tổ chức chuyên nghiệp như cách P làm để gia tăng tài sản mình tốt nhất có thể.
# Lọ thứ 3: Chi cho giáo dục đào tạo (10%)
“Đầu tư vào kiến thức là loại đầu tư sinh được lợi nhuận cao nhất”
Câu này chưa bao giờ sai, việc học và phát triển bản thân chưa bao giờ là kết thúc. Bất kỳ người giàu có nào trên hành tinh này họ đều không ngừng đọc sách, không ngừng học hỏi sự thay đổi nhanh chóng điên cuồng của thời đại 4.0
Nên khi chúng ta có kiến thức, kỹ năng và tư duy tốt thì chắc chắn giá trị của bản thân bạn được nâng cao
Lúc đó những cơ hội thăng tiến, cơ hội kinh doanh sẽ đến và bạn biết cách biến nó thành tiền một cách dễ dàng hơn.
Như Phương có chia sẽ những cách kiếm tiền ở trên để gia tăng thêm thu nhập, bạn hoàn toàn có thể làm theo Phương
Trích 10% thu nhập mỗi tháng để đầu tư vào các lớp học online (hoặc offline) về kỹ năng liên quan công việc hiện tại để tăng cơ hội thăng tiến hoặc khóa học bán hàng online, chạy quảng cáo, học kỹ năng đầu tư… giúp bạn có nhiều cơ hội kiếm tiền.
# Lọ thứ 4: Tiết kiệm dự phòng dài hạn (10%)
Dành 10% thu nhập của mình mỗi tháng và không đụng đến nó trong một khoảng thời gian dài.
Đây là như một cái lọ bị “niêm phong”, bạn không nên đụng vào vì những lý do như thiếu tiền sinh hoạt, thiếu tiền mua thứ này thứ kia…
Chỉ khi nào trường hợp khẩn cấp như đau ốm, bệnh tật cần số tiền lớn và bạn không thể chuyển đổi tài sản nào nhanh nhất có thể ra để xử lý tình trạng khẩn cấp thì bạn có thể dùng đến và sau đấy phải tìm cách bù vào khoản này.
Bạn còn nhớ phần trên mình có nói đến tiết kiệm để đạt mục tiêu X không? Chính là khoản này đấy
Vì vậy…
Đừng tiêu chúng cho đến khi đạt được mục tiêu tiết kiệm của mình.
#Lọ thứ 5: Chi tiêu cho bản thân (10%)
Đúng với tên gọi, tài khoản này dành cho tất cả những nhu cầu về sở thích cá nhân của bạn…
…để bạn được “hưởng thụ”.
Cuộc sống có làm việc thì cũng phải được vui chơi, hưởng thụ mới hạnh phúc.
Đây cũng là khoản mà ai yêu thích , vì trong khoảng 10% thu nhập của mình, Phương có thể mua những gì mình muốn hoặc đi du lịch cùng bạn bè hay đơn giản tự thưởng cho mình bằng 1 chiếc túi đắt tiền cho những dự án thành công.
Nó chính là gia vị cuộc sống và giúp chúng ta có thêm nhiều động lực kiếm tiền để đạt mục tiêu X.
Tuy nhiên khoảng thời gian nhiều bạn có khuynh hướng vượt quá giới hạn một chút.
Điều này cũng khó tránh vì đây là khoản chi tùy thích nên nhiều khi rất khó kiềm chế được bản thân. Vì chúng ta là con người có cảm xúc có mong muốn chứ không phải 1 con robot chỉ biết kiếm tiền ^^
Nhưng bạn hãy cố gắng kiềm chế những sở thích không tốt ảnh hưởng đến mục đích của mình, vì vậy các nếu tháng nào bạn chi nhiều hơn số này thì hãy cố gắng điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ khoản chi này.
#Lọ thứ 6: Khoản cho đi (5%)
“Chừng nào có tiền, giàu có tôi sẽ làm từ thiện và cho đi nhiều hơn”- bạn chắc hẳn nghe quen.
Thật ra cái chữ cho đi nhiều khi chúng ta hiểu sai về nó.
Cho đi thực chất bạn có thể dùng 5% thu nhập đó mua quà biếu cho người thân, bạn bè hay tổ chức 1 chuyến đi từ thiện cùng mọi người trong cơ quan để tặng quà cho nhiều hộ nghèo…
Hay cho đi đơn giản là bạn dành cuối tuần dạy học cho một nhóm những người cần cái kỹ năng mà bạn đang giỏi.
Nhiều cách cho đi, nhưng miễn sao bạn có cho đi thì cuộc sống này sẽ thú vị hơn và khi giúp được nhiều người chắc chắn giá trị bạn nhận được lớn hơn con số 5% nhiều.
#LỜI KHUYÊN CHO BẠN:
- Luôn duy trì tỷ lệ 6 lọ vào mỗi tháng cho dù có khoản thu đột biến thì cũng chia đều cho 6 lọ
- Không được lấy tiền khoản này đắp cho khoản kia
- Nếu lọ nào thiếu, hãy điều chỉnh cho phù hợp
Nếu lọ nào thừa thì cân đối lại cho những lọ khác, tốt nhất lọ chi cho đầu tư và giáo dục có thể gia tăng vì đây là 2 lọ mang đến cho bạn lợi ích dài hạn.
4. Tiết kiệm tiền theo phương pháp 50-20-10-10
Thực ra phương pháp này nó rút gọi cho phương pháp 6 chiếc lọ, còn bản chất của tiết kiệm và chia nhỏ thu nhập thì nhu nhau.
Phương pháp 50-20-10-10 này nó đơn giản hơn và bạn hoàn toàn có thể tham khảo bài viết chi tiết về phương pháp này.
Cách áp dụng và lí do tại sao áp dụng phương pháp này bạn hoàn toàn có thể mua được nhà hay xe với thu nhập trung bình 20 triệu hay thấp hơn.
Với mỗi người, điều kiện áp dụng sẽ khác nhau.
Vì vậy bạn hãy tự lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp với bản thân mình.
Bạn có thể áp dụng một hoặc thậm chí cả hai phương pháp, nhưng phải biết kết hợp sao cho không bị sai mục đích và vẫn hiệu quả.
5.Mẹo tiết kiệm tiền đơn giản ai cũng có thể áp dụng
Đây là cách của riêng Phương đang sử dụng và thấy nó có hiệu quả dù là những việc rất đơn giản, bạn có thể tham khảo nhé:
- Đi xe buýt thay cho xe máy
Bạn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí xăng xe, bảo dưỡng xe và đặc biệt sẽ thoải mái hơn hẳn so với chạy xe trong thời tiết năng nóng hay mưa bão ngập nước chưa kể đặc sản kẹt xe.
Xưa mình rất ghét đi xe bus vì mình hay bị buồn nôn nhưng sau này vì không phải mình vì tiết kiệm ít tiền mà đi xe bus, mà đi vì mình chán ghét cảnh tượng kẹt xe, lội mưa ở Sài Gòn nên quyết định đi xe bus.
Thế là quen và phát hiện ra chi phí xăng xe mỗi tháng giảm đáng kể ^^
Trên xe mình có thể vừa nghe nhạc, nghe bản tin sáng trước khi vào công việc.
Nếu có thể bạn thử áp dụng cách này xem sao nhé (đương nhiên nếu nhà bạn gần trạm xe bus nối lên cơ quan bạn).
- Chỉ mua thứ mình cần và thật chất lượng
Chúng ta thích cảm giác mua thật nhiều đồ nhưng về cơ bản bạn nghĩ đi “có ít nhất 1 món đồ bạn mua về nhưng chưa từng sử dụng đến”
Hoặc những bộ đồ mặc vài lần thì không còn muốn mặc lần 2 vì cơ bản nó cũ rồi.
Vậy câu chuyện là đồ chất lượng đắt đỏ nhưng nó chất lượng và sử dụng lâu trông vẫn như mới và bạn tiết kiệm rất nhiều so với việc mua nhiều mà đồ không chất lượng.
- Tận dụng mua sắm dịp khuyến mãi, giảm giá
Bạn chỉ nên chi tiền cho những thứ thật sự cần thiết với mình.Cố gắng kiềm chế bản thân không rơi vào trạng thái cái gì cũng muốn mua vì nó đang giảm so với bình thường.
Chúng ta hay bị mắc bẫy của người bán hàng lắm 😀
Tận dụng các ưu đãi và chương trình khuyến mãi, việc mua sắm sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.
- Lên danh sách mua đồ trước khi mua sắm
Tránh tình trạng quên trước quên sau hay là mua những thứ không cần thiết và thứ cần thiết lại quên mua.
Đôi lúc việc mua sắm bị ảnh hưởng bởi tâm trạng.
Vì vậy lên danh sách trước có thể giúp bạn tránh được cám dỗ khi nhìn thấy những món đồ không liên quan khác.
- Sử dụng app quản lý chi tiêu
Phương luôn sử dụng app ghi chép chi tiêu sau mỗi ngày làm việc để cập nhật xem hôm nay mình đã chi tiêu những gì.
App này sẽ giúp bạn biết được tình trạng tài chính của bản thân đang như thế nào? Cái nào đang chi quá đà và cần kiểm soát…
Chỉ cần tải về điện thoại là bạn có thể theo dõi chi tiêu hàng ngày rồi, đây là cách giúp bạn không chỉ quản lý chi tiêu mà còn tiết kiệm chi phí.
Ví dụ một ngày Phương quy định chỉ tiêu trong hạn mức 200 ngàn cho ăn uống, xăng xe thì nếu tổng kết ngày hôm nay cao hơn mức này thì phải đánh giá lại.
Vì thế nó giúp Phương khá nhiều trong việc tạo thói quen ghi chép chi tiêu và thói quen không được phép thỏa mãn bản thân vào thứ không cần thiết.
TỔNG KẾT
Để đạt được mục tiêu mua nhà, xe cộ hay bất cứ thứ gì để cuộc sống chúng ta ổn định hơn thì tiết kiệm đó là điều tiên quyết và gần như là bắt buộc nếu bạn muốn chạm gần hơn đến mục tiêu.
Biến tiết kiệm thành thói quen hằng ngày và sử dụng đúng những phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả sẽ giúp bạn sớm có thể mua được nhà dù thu nhập chưa được cao.
Vì vậy không có lí do gì không bắt đầu tiết kiệm từ hôm nay?
Hãy chia sẻ nhiều hơn nữa những mẹo tiết kiệm chi tiêu hay gia tăng thêm thu nhập nếu bạn biết ở bên dưới để cho tất cả chúng ta cùng có cuộc sống tốt đẹp hơn.