Các nhà kinh tế học đã ví lạm phát là căn bệnh mãn tính của nền kinh tế đương đại. Nó có từng được xem là kẻ thủ số một của nền kinh tế và đẩy lùi lạm phát là sự ưu tiên hàng đầu trong nền kinh tế.
Lạm phát thực sự gây ra những tác hại nào cho nền kinh tế mà các chính phủ đều tìm mọi cách kiểm soát và hạn chế nó?
1. Lạm phát là gì?
# Khái niệm
Ta cần phân biệt ba khái niệm: Lạm phát, giảm phát và giảm lạm phát
- Lạm phát: là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế tăng lên trong một khoảng thời gian nhất định
- Giảm phát: là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống trong một khoảng thời gian nhất định
- Giảm lạm phát: là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế tăng lên nhưng với tốc độ chậm hơn so với trước
Mức giá chung (hay chỉ số giá) là mức giá trung bình của tất cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế ở kỳ này so với kỳ gốc.
Khi mức giá chung (P) tăng lên thì sức mua của đồng tiền sẽ giảm xuống.
Ngày xưa 1 ổ bánh mì có giá 15k/ ổ đầy đủ thịt, trứng thì bây giờ muốn mua một ổ đầy đủ full topping như xưa thì giá nó phải 20k/ổ. Đây chính là lạm phát, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống chúng ta từ cái đơn giản nhất.
# Các loại chỉ số giá sử dụng để tính tỷ lệ lạm phát
Có 3 chỉ số giá được sử dụng để tính tỷ lệ lạm phát và mỗi chỉ số đều có những ưu nhược điểm khác nhau vì thế cần sử dụng cả 3 loại để tính tỷ lệ lạm phát sẽ chính xác hơn.
- Chỉ số giá hàng tiêu dùng (CPI): là chỉ số thể hiện mức giá trung bình của giỏ hàng hóa và dịch vụ mà một hộ gia đình mua ở kỳ này so với kỳ gốc.
Nếu chỉ dùng CPI để tính tỷ lệ lạm phát thì rất nhanh chóng và tiết kiệm thời gian nhưng lại không chính xác vì luôn có những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới ra đời, và tỷ trọng các loại hàng hóa trong giỏ hàng hóa cũng chênh lệch (thí dụ giá xăng dầu, giá thịt lợn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giỏ hàng). - Chỉ số giá hàng sản xuất (PPI): phản ánh mức giá trung bình của một giỏ hàng hóa mà một doanh nghiệp mua ở kỳ này so với kỳ gốc. Chỉ số PPI chỉ được sử dụng để tính tỷ lệ lạm phát trong khu vực sản xuất, không phổ biến.
- Chỉ số giảm phát theo GDP (Id) : phản ánh sự thay đổi của mức giá trung bình của tất cả hàng hóa và dịch vụ sản xuất ở năm hiện hành so với năm gốc. Chỉ số này phản ánh đúng giá trung bình của tất cả giá hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra trong nền kinh tế nhưng lại mất nhiều thời gian mới có được chỉ tiêu GDP.
Ví dụ: Năm nay cam mất mùa, sản lượng thu hoạch giảm đáng kể. Giá cam tăng vọt. Kết quả CPI tăng cao còn Id tăng không đáng kể. Trong thực tế, khi giá cam quá đắt, người tiêu dùng có khuynh hướng sẽ giảm mua cam, tăng tiêu dùng các loại trái cây thay thế khác.
Cho nên thực tế CPI nên được dùng để tính tỷ lệ lạm phát thường xuyên hàng tháng. Còn để tính tỷ lệ lạm phát bình quân toàn ngành thì nên dùng Id.
2. Phân loại lạm phát
Căn cứ vào tỷ lệ lạm phát, có thể chia lạm phát thành 3 loại:
- Lạm phát vừa (hay còn gọi là lạm phát 1 con số): Khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng chậm, dưới 10%/ năm, đồng tiền tương đối ổn định nền kinh tế ổn định.
- Lạm phát phi mã (Còn gọi là lạm phát 2 hay 3 con số): Khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng từ 10% đến 999%/ năm
Nếu lạm phát phi mã xảy ra, đặc biệt ở mức 3 con số một năm, chẳng hạn 400% hay 800%/ năm, đồng tiền sẽ mất giá nhanh chóng, thị trường tài chính bất ổn và nền kinh tế dễ rơi vào khủng khoảng.
Khi lạm phát càng cao, chi phí cơ hội của việc giữ tiền càng lớn. Người ta ví tiền mặt trong thời kỳ này như những hòn than đang rực cháy, ai giữ tiền càng nhiều và càng lâu càng bị thiệt hại.
Người ta sẽ tránh giữ tài sản dưới dạng tiền mà chuyển sang giữ ngoại tệ mạnh, vàng, bất động sản hay hàng hóa sẽ có lợi hơn.
Để tránh tổn thất, các hợp đồng kinh tế cũng được chỉ số hóa theo tỷ lệ lạm phát hay tính theo ngoại tệ mạnh.
Thông thường khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, kéo theo giá cả hàng hóa tăng theo thì các hàng hóa có tính rủi ro cao như chứng khoán sẽ suy giảm mạnh và đây là giai đoạn các Ngân hàng trung ương sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để hút tiền về để giảm lạm phát.
Các chính sách kinh tế của các Ngân hàng trung ương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính vốn là dòng chảy của nền kinh tế.
- Siêu lạm phát (lạm phát từ 4 con số trở lên): Khi tỷ lệ lạm phát từ 1000%/ năm trở lên, đồng tiền mất giá trầm trọng, nền kinh tế càng bất ổn, cuộc sống càng khó khăn, mọi thứ đều trở nên khan hiếm ngoại trừ tiền giấy.
Chắc mọi người không quá xa lạ gì với tình hình siêu lạm phát ở Zimbabwe, người ta muốn mua thịt bò phải chở cả 1 xe tải bao tiền đến để đổi.
3. Nguyên nhân gây ra lạm phát
Có 3 nguyên nhân chính gây ra lạm phát
a/ Lạm phát do cầu (hay còn gọi là lạm phát do cầu kéo): Xuất phát từ sự gia tăng của tổng cầu, có thể do:
- Khu vực tư nhân lạc quan về nền kinh tế, nên tiêu dùng tự định và đầu tư tự định tăng lên.
- Chính phủ tăng chi tiêu
- Ngân hàng trung ương tăng lượng cung tiền
- Người nước ngoài tăng mua hàng hóa và dịch vụ trong nước.
Năm 2020 tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, các nước hạn chế giao thương và buộc NHNN phải bơm tiền để hỗ trợ cứu các doanh nghiệp.
Hệ quả là dòng tiền chạy mạnh vào thị trường chứng khoán và bất động sản làm cho giá cả của 2 thị trường này tăng gấp 2-3 thậm chí 5-10 lần so với thời điểm xảy ra đại dịch.
Đến 2022 khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, kinh tế bắt đầu vận hành ổn định trở lại thì bắt buộc NHNN phải hút tiền về bởi hệ quả của việc bơm tiền là làm cho giá cả hàng hóa tăng lên cao gây nên tình trạng lạm phát cao.
Và chính lúc này khi đang viết bài phân tích về tình hình lạm phát cũng là thời điểm mà Fed tăng lãi suất, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng siết chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát.
Thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh hơn 24% sau thời kỳ hết tiền rẻ, dòng tiền nóng không còn nữa thì giá cổ phiếu- đó là một loại hàng hóa có giá- nó phải về đúng giá trị thực của nó.
b/ Lạm phát do cung (hay còn gọi là lạm phát do chi phí đẩy):
Xuất phát từ sự sụt giảm trong tổng cung, mà nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất của nền kinh tế tăng lên khi:
- Tiền lương tăng lên trong khi năng suất lao động không đổi
- Thuế tăng, lãi suất tăng
- Thiên tai mất mùa, chiến tranh
- Giá các nguyên vật liệu chính tăng cao…
Ví dụ: Giai đoạn 2020-2021 khi đại dịch bùng phát và Chính phủ thực hiện các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Chính phủ các nước khác cũng như vậy và dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất.
Nhu cầu ngày càng tăng do các công ty tăng cường sản xuất máy tính xách tay và điện thoại di động trong thời gian đại dịch, cũng như sự cấp thiết áp dụng mạng 5G trên toàn thế giới. Điều này làm tăng nhu cầu về nguyên liệu thô được sử dụng trong hoạt động chip, bao gồm phốt pho vàng và axit photphoric điện tử. Ngoài ra nhu cầu phân lân trong nước tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng, hưởng lợi từ việc Trung Quốc hạn chế xuất phân làm cho giá phân bón leo thang. Điều này làm cho DGC (Công ty hóa chất Đức Giang) và các công ty phân bón DPM, DCM hưởng lợi lớn.
Giá cả phân bón trong nước giai đoạn 2 năm rồi tăng cao khiến người nông dân điêu đứng.
Có thể bạn cần: Danh mục đầu tư cổ phiếu năm 2022
c/ Lạm phát theo thuyết số lượng tiền tệ:
Những nhà kinh tế thuộc trường phái tiền tệ cho rằng lạm phát là do lượng cung tiền thừa quá nhiều trong lưu thông gây ra.
Lý thuyết này có sự tương đồng với lạm phát do cầu xuất phát từ Ngân hàng trung ương tăng cung tiền để ứng phó với nền kinh tế đang bị tổn thương, suy thoái.
4. Biện pháp giảm lạm phát
Lạm phát do cầu: Khi xảy ra lạm phát vừa, sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, là loại lạm phát có lợi cho nền kinh tế. Chỉ khi xảy ra lạm phát cao, sản lượng thực vượt quá sản lượng tiềm năng, nền kinh tế phát triển quá nóng, phải tìm biện pháp giảm lạm phát, ổn định kinh tế là giảm tổng cầu, bằng cách:
- Áp dụng chính sách tài khóa thu hẹp: Giảm chi tiêu ngân sách, tăng thuế
- Áp dụng chính sách tiền tệ thu hẹp: Giảm mức cung tiền, tăng lãi suất
Kết quả tổng cầu sụt giảm, mức giá giảm, sản lượng giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Lạm phát do cung: Phải làm tăng tổng cung, giảm chi phí sản xuất bằng cách:
- Tìm nguyên liệu mới rẻ tiền thay cho nguyên liệu cũ đắt tiền.
- Giảm thuế, giảm lãi suất
- Cải tiến kỹ thuật sản xuất, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất lao động, giảm chi phí.
- Nâng cao trình độ quản lý: tổ chức lao động khoa học và hợp lý hóa sản xuất.
Kết quả là chi phí sản xuất của nền kinh tế sẽ giảm xuống, mức giá giảm, sản lượng tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm.
5. Tác động của lạm phát đến nền kinh tế như thế nào?
Lạm phát không hẳn là xấu, nếu duy trì lạm phát ở một tỷ lệ nhất định, thông thường dưới 10%/ năm thì lạm phát đó ảnh hưởng tốt đến nền kinh tế.
Thực tế thì khi lạm phát xảy ra, chúng ta cần nhiều tiền hơn để chi tiêu cho một món đồ hàng hóa hay dịch vụ khi chưa có lạm phát.
Đơn cử như giá 1 ly cafe Highland thông thường chỉ 39k/ ly nhưng khi giá cả hàng hóa tăng lên khiến công ty phải tăng giá lên 45k/ ly.
Nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của bạn liền.
Hoặc với sản phẩm lớn nhiều tiền hơn như xe máy, bạn có thể phải đi vay tiền tại tổ chức tín dụng chẳng hạn và các doanh nghiệp cũng cần phải vay vốn nhiều hơn để nhập nguyên vật liệu và hàng hóa duy trì hoạt động kinh doanh.
Khi giá sản phẩm và hàng hóa tăng lên, người dân có xu hướng giảm chi tiêu, điều này khiến cho lượng hàng hóa trên thị trường dư thừa, buộc các doanh nghiệp phải giảm giá bán để clear hàng hóa và giảm sản xuất.
Khi giá sản phẩm hạ, người dân bắt đầu chi tiêu trở lại. Cho đến khi nào giá cả người tiêu dùng chấp nhận ở mức nào đó thì đó là điểm mà sản lượng sản phẩm nên được sản xuất để tránh tình trạng dư thừa. Đó là điểm cân bằng (theo lý thuyết kinh tế).
Trưởng hợp ngược lại: nếu nền kinh tế đang có lạm phát bằng 0 hoặc giảm phát cũng sẽ khiến nền kinh tế trì trệ. Hiểu một cách đơn giản, giảm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục.
Chắc hẳn với nhiều người sẽ nghĩ rằng giá hàng hóa giảm xuống sẽ làm nền kinh tế có lợi, bởi vì chúng ta mua được nhiều hàng hóa hơn? Thực tế không phải như vậy.
Bởi vì thất nghiệp gia tăng, dòng vốn tắc nghẽn, Các doanh nghiệp giảm sản xuất, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh, một số sẽ phải đóng cửa phá sản do không có lợi nhuận và không có khả năng chi trả lãi vay. Chính vì vậy, mỗi quốc gia đều tìm cách kiểm soát chứ không triệt tiêu lạm phát.
Với tài chính cá nhân, mình khuyên các bạn nên gửi tiết kiệm ngân hàng vào giai đoạn lạm phát tăng như hiện nay vì lãi suất huy động cao cũng như các kênh đầu tư khác đang gặp bất lợi như bất động sản, chứng khoán, tiền số…
Tham khảo: Quản lý ngân sách theo phương pháp 50-20-20-10
Kết luận
Lạm phát là một yếu tố vĩ mô cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế. Với việc đầu tư và quản trị tài chính cá nhân thì bạn nhất định phải am hiểu về lạm phát và các chính sách của Chính phủ đưa ra trong từng thời điểm nền kinh tế để có phương án đầu tư đúng đắn.