Bán chốt lời cổ phiếu vào thời điểm nào và bán như thế nào là một bước cực kỳ quan trọng nhưng không hẳn ai cũng quan tâm và có chiến lược cụ thể. Vậy nên làm gì?
Tại sao bạn cần phải biết được nên bán khi nào và tại sao bán?
Lúc mới bắt đầu giao dịch có phải bạn dành toàn bộ thời gian và sức lực học cách làm thế nào để mua và khi nào nên mua cổ phiếu?
Hầu hết những nổ lực của chúng ta đều dành cho phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Nào là các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu, cách cắt lỗ rồi quản trị vốn… nhưng lại không chú ý nhiều đến việc nên bán ở đâu, bán khi nào và tại sao bán.
Giống như việc thiết lập tín hiệu mua, hành động bán cũng cần phải tuân theo một số quy tắc, đố là nên bán khi cổ phiếu đang tăng mạnh hay bán khi cổ phiếu suy yếu.
Để có được kết quả đầu tư tốt nhất dù là nhà đầu tư chuyên nghiệp hay các trader cần dựa trên những quy tắc đúng đắn về tín hiệu bán thay vì dựa vào các cảm xúc như sợ hãi hay hối tiếc.
Việc hiểu được lí do tại sao bán và bán ở đâu nó giống như việc bạn biết được đích đến của một chặng đua marathon và mục tieu của bạn là giành chiến thắng. Còn bạn chỉ tham gia theo kiểu phong trào thì chẳng bao giờ là người chiến thắng. Và cổ phiếu cũng như vậy!
Những cảm xúc khi bán tại vùng lợi nhuận
Một trong những thời điểm do dự nhất trong giao dịch là nên bán khi nào?
Bán quá sớm thì khiến bạn e sợ mất đi các khoản lợi nhuận trong tương lai.
Bán quá muộn sẽ khiến bạn cảm thấy hối tiếc vì mất đi khoản lợi nhuận đã có hiện tại.
Hai cảm xúc” e sợ và hối tiếc” dẫn tới trạng thái do dự: Tôi có nên bán không? Tôi có nên tiếp tục nắm giữ không? Nếu bán xong cổ phiếu nó tăng tiếp thì sao ta? … Hằng trăm câu hỏi và cảm xúc đan xen nhau trong thời điểm quan trọng này.
Nỗi sợ ở “phía bán” không hề khác với những gì bạn gặp phải trước khi mua cổ phiếu: Tôi có nên mua không? Giá này là cao hay thấp đây, có nên chờ cho nó giảm không? Hay tiếp tục chờ để xem mai thế nào?…
Có hai tình huống cơ bản để bán
- Thứ nhất, Bán khi cổ phiếu vẫn còn tăng mạnh, nghĩa là cổ phiếu vẫn còn di chuyển theo hướng dự đoán của bạn và người mua vẫn còn rất đông.
- Thứ hai, Bán khi cổ phiếu suy yếu. Cổ phiếu lúc này hạnh động giá đang yếu đi và bạn muốn bảo vệ khoản lợi nhunaaj trước khi cổ phiếu đảo chiều xu hướng.
Rõ ràng trong cả hai tình huống đều luôn tồn tại song song trong suy nghĩ mỗi nhà đầu tư và sẽ chắc chắn mang lại những cảm xúc “sợ hãi và tiếc nuối”.
Vậy chính xác thì ta nên làm gì ở tại vùng lợi nhuận để vừa bảo vệ được lợi nhuận đạt yêu cầu và vừa thỏa mãn được cảm xúc tích cực được duy trì sau khi đã bán hết?
Khi nào nên bán chốt lời cổ phiếu?
# Quy tắc “chốt lời cổ phiếu 1/2”
Bởi vì không ai có thể biết được giá cổ phiếu sẽ đi như thế nào phía bên phải biểu đồ. Khi đã vào lệnh thì lời lỗ sẽ do Mr. Market quyết định.
Bạn nên thiết lập tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng TRƯỚC KHI BẠN MUA CỔ PHIẾU và tuân thủ kỷ luật theo Rule mà bạn đặt ra.
Thí dụ: Bạn đang dự tính mua 10.000 cổ phiếu FPT tại giá 80 thì bạn phải xác định 2 điểm:
- Điểm cắt lỗ: Tùy theo phương pháp mỗi người khác nhau sẽ có điểm Cutloss khác nhau. Trung bình với Trader thì thường sẽ cài đặt tỷ lệ 5-7%.
- Điểm chốt lời: Khi bạn chấp nhận khoản cutloss 5-7% thì điểm chốt lời của bạn ít nhất cũng phải gấp 2 lần. Tức tỷ lệ Risk: Reward phải là 1:2 để đảm bảo khoản đầu tư là có lời khi chúng ta cho xác suất là 5:5.
Có nghĩa là gì? Tức khi FPT tăng 14% là đúng điểm bán kỳ vọng của bạn. Nhưng chắc chắn tại điểm lợi nhuận hai cảm xúc ở trên nó sẽ đan xen vào suy nghĩ của bạn.
==> GIẢI PHÁP CHÍNH LÀ BÁN CHỐT LỜI CỔ PHIẾU 1/2 VÀ ĐỂ 1/2 CÒN LẠI THẢ CHO CỔ PHIẾU TỰ VẬN ĐỘNG THEO THỊ TRƯỜNG.
Ít nhất lúc này nếu cổ phiếu FPT có giảm quay trở về điểm hòa vốn (tức giảm 14%, bạn mất hết lợi nhuận của 1/2 còn lại) thì bạn vẫn còn lợi nhuận 1/2 lượng cổ phiếu đã chốt lời.
Hoặc tệ hơn bạn để cho 1/2 cổ phiếu còn lại giảm lỗ thêm 14% (tức tổng giảm 28% vùng bán) thì bạn cũng sẽ chỉ hòa vốn trong deal này.
Quy tắc chốt lời cổ phiếu 1/2 chỉ mang tính chất tham khảo để bạn hình dung vấn đề của câu chuyện, còn đương nhiên bạn hoàn toàn có thể chốt 1/3 hay 1/4 hay chốt hết đó là tùy vào chiến thuật của các bạn.
# Bán cổ phiếu lúc đang tăng mạnh
Giả sử cổ phiếu bạn mua cách đây khá lâu hiện đang ở giai đoạn cuối sau của chu kỳ tăng trưởng (ngành) hoặc dựa theo phương pháp đếm nền giá (thông thường cổ phiếu sẽ vào giai đoạn cao trào sau 4-5 nền giá).
Bạn có thể nhận thấy chỉ số P/E đang mở rộng, tăng lên đáng kể so với P/E trung bình ngành và của chính cổ phiếu đó trong lịch sử. Lúc này giá cổ phiếu sẽ tăng tốc nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng lợi nhuận (EPS)
Ngoài ra cổ phiếu này có khoảng cách khá xa so với nền giá gần nhất.
Lúc này bạn nên “đếm số ngày tăng so với số ngày giảm”. Một khi cổ phiếu tăng giá kéo dài, nằm cao đánh kể so với nền giá. Bây giờ, bạn nên nhìn thấy những ngày tăng giá mạnh nhất và chênh lệch đỉnh đáy theo ngày lớn nhất từ khi khởi đầu xu hướng tăng.
Cú bùng nổ cuối cùng trong đà tăng trưởng mạnh thường là tín hiệu cho thấy giá đã chạy nhanh quá mức, thường chỉ tồn tại trong vài ngày tại vùng đỉnh.
Những ngày này còn được gọi là “giai đoạn chạy nước rút”. Chỉ trong 3-5 phiên mà cổ phiếu tăng từ 20%-40% với thanh khoản cực lớn là một tín hiệu cho thấy “các tay to ra hàng”.
Đây là lúc cổ phiếu được chuyển từ tay các nhà đầu tư chuyên nghiệp lớn sang các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang FOMO. Cuối cùng, khối lượng giao dịch lớn của các tay to áo đảo lòng tham của nhà đầu tư nhỏ lẻ, giá rốt cuộc cũng sụp đổ sau đó.
Vì thế lúc này bạn nên thực hiện chốt lời theo những tay chơi chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức họ chỉ bán chốt lời tại những ngày cổ phiếu tăng mạnh kèm thanh khoản đột biến.
Nếu chờ cho đến khi giá sụp đổ thì bạn sẽ bị muộn và đánh mất một phần lớn lợi nhuận (nếu không muốn nói là tất cả).
Đây là cách nhận biết cổ phiếu đang ở giai đoạn cao trào và chúng ta nên chấp nhận việc chốt lời, đủ là đủ, đừng tham lam nếu không sẽ đến một ngày bạn lại phải hối hận, tiếc nuối.
# Bán khi cổ phiếu suy yếu
Khi cổ phiếu bạn đang nắm giữ xuất hiện những dấu hiệu suy yếu rõ rệt, các dấu hiệu cảnh báo cho thấy cổ phiếu đang nắm giữ đã tăng giá kéo dài và hỗn loạn trên vùng đỉnh.
Việc nắm giữ lâu thêm một chút chỉ làm tăng theo rủi ro không cần thiết và tiềm năng bị thua lỗ là rất cao nếu lúc đó thị trường bất ngờ quay đầu giảm giá và bạn bị động không phản ứng kịp thời.
Những dấu hiệu cảnh bảo cổ phiếu tạo lập đỉnh và đổ dốc đi kèm với sự tăng vọt trong khối lượng.
Khi điều này xảy ra, đó là tín hiệu bán quan trọng, vì những tay chơi lớn đã tẩu thoát và bạn không thể chiến đấu chóng lại với làn sóng bán tháo của các định chế tài chính lớn, các tay to đang chốt lời.
Nếu cổ phiếu có ngày và tuần giảm giá mạnh nhất kể từ khi cổ phiếu bước vào giai đoạn tăng giá (lúc này giá cổ phiếu đã có chuỗi tăng giá >80% thậm chí 200%), đây là một tín hiệu bán rõ ràng.
Đừng bao giờ nghĩ tằng những cú đổ vỡ lớn trong giá cổ phiếu là cơ hội mua vào. Nhiều nhà đầu tư mắc phải cái bẫy này.
Một cổ phiếu họ đang nắm giữ bất ngờ lao dốc và họ tin rằng thị trường đang sai lầm và cổ phiếu sẽ vẫn hoạt động tốt, họ quyết định mua nhiều hơn. Họ không nhận ra giá cổ phiếu giảm vì những tay to họ đang tháo chạy hoặc ít nhất phải nghi ngờ đặt câu hỏi “Tại sao?” chứ
Tín hiệu bán có thể xuất hiện mà không hề có cảnh báo nào. THực tế nếu bạn đợi cho đến khi tín hiệu nó rõ ràng thì chắc chắn bạn đã bị mất đi kha khá lợi nhuận rồi đấy.
Nếu bạn không đủ can đảm bán sớm khi cổ phiếu còn tăng giá mạnh, bạn phải có đủ sự thông minh và quyết đoán để bán khi cổ phiếu đã rời khỏi đỉnh và bán khi nó suy yếu.
Bán chốt lời khi cổ phiếu đạt định giá
Nếu bạn thuần là một trader dựa hoàn toàn vào phân tích kỹ thuật và không quan tâm đến doanh nghiệp thì bạn hoàn toàn có thể bán chốt lời cổ phiếu dựa trên 3 cách ở trên mình chia sẽ.
Riêng ở phần này sẽ khác hơn một chút vì nó phù hợp với nhà đầu tư cơ bản và những người kết hợp cả 2 trường phái kỹ thuật và cơ bản.
Chúng ta lựa chọn cổ phiếu tốt dựa vào phân tích cơ bản doanh nghiệp để không phải chọn phải cổ phiếu “rác”. Hiểu biết doanh nghiệp chính là các nền móng giúp cho việc bạn trading được an toàn.
Nếu bạn mua sai điểm thì cơ hội cổ phiếu hồi phục vẫn rất cao, nhưng mua cổ phiếu chả có gì thì cơ hội đấy cực thấp.
Với những người theo trường phái đầu tư dài hạn họ sẽ chỉ bán cổ phiếu khi cổ phiếu tăng đúng định giá mà không quan tâm đến biến động giá ngắn hạn.
Tuy nhiên để thực sự hiệu quả thì theo kinh nghiệm cá nhân Phương, mình thấy rằng: Thông thường cổ phiếu luôn chạy vượt định giá từ 20-50%. Lí do?
- Các nhà đầu tư dài hạn thường là những người rất thận trọng, họ cố gắng hạn chế tối đa mọi rủi ro nên mức giá mục tiêu thường khá thấp so với “Nội tại thực sự cổ phiếu”.
- Khi một cổ phiếu bước vào chu kỳ tăng trưởng thì “kỳ vọng nhà đầu tư” luôn ở mức cao hơn và họ chấp nhận trả mức giá cao hơn nhiều so với lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra.
- Nhà đầu tư nhỏ ử hay các trader thường sẽ đu bám vào cổ phiếu ở giai đoạn cuối, giai đoạn cao trào vì “Họ thích ăn nhanh”, thích ăn nhanh ở giai đoạn chỉ vài tuần có thể kiếm 20-30% hơn là những nhà đầu tư dài hạn ôm một năm trời chỉ có được 30-40%. Vì lẽ đó ở vùng đỉnh lúc nào giá cổ phiếu cũng tăng sốc và thanh khoản đột biến.
Vì những lý do trên với nhà đầu tư linh hoạt, dựa vào chuyển động giá cổ phiếu thì chúng ta hoàn toàn có thể phối hợp cả 2 cách là:
- Dựa vào phân tích định giá để xác định mức giá phù hợp của cổ phiếu để đủ sức nắm giữ qua các giai đoạn tăng giảm ngắn hạn của cổ phiếu ==> Bạn có thể chốt lời 1/2 hoặc 2/3 khi giá chạm đến vùng định giá.
- Dựa vào đặc điểm tâm lý ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng giá để tăng thêm lợi nhuận==> Tiếp tục nắm giữ 1/2 hoặc 1/2 lượng cổ phiếu còn lại và dời điểm cắt lỗ lên “Vùng định giá” để đảm bảo không mất lợi nhuận.
Bạn sẽ luôn bán quá sớm hoặc bán quá muộn
Mục tiêu của việc giao dịch chứng khoán là kiếm lợi nhuận lớn cho khoản đầu tư của bạn. Không phải cố gắng đúng mọi lúc. Cũng không cố gắng mua tại đáy , bán ở đỉnh. Điều đó là không thể
Nếu bạn không bán sớm, bạn chắc chắn sẽ bán trễ, 95% lần giao dịch sẽ rơi vào trong hai trường hợp này.
Nếu nắm giữ cổ phiếu ở mức giá 20.000 và sau đó tăng lên 40.000 nhưng sau đó giảm xuống còn 30.000, bạn chỉ có thể tự trách bản thân vì đã không bán sớm hơn.
Tuy nhiên, một trong những trải nghiệm đau đớn nhất là nhìn giá cổ phiếu bán vọt lên trời và sau đó sụp đổ, làm tan biến tất cả mọi lợi nhuận hoặc thậm chí tệ hơn là bắt đầu thua lỗ.
Rất khó biết được mức đỉnh cao nhất của cổ phiếu đạt được, nhưng điều này không phải là yếu tố cần thiết để đạt được lợi nhuận bền vững dài hạn 10, 20 năm.
Thay vì lo lắng và cố gắng bán tại đỉnh và mua vào tại đáy, mối bận tâm của bạn nên là: Kiếm được một khoản lợi nhuận khá lớn và lặp lại điều này liên tục theo thời gian.
Kết luận
Để trả lời được câu hỏi “Khi nào nên bán cổ phiếu chốt lời”, bạn hãy thực hành nhiều hơn với những cách thức và phương pháp khác nhau để từ đó rút cho mình những bài học, những kinh nghiệm chỉ riêng bạn có.
Không có phương pháp cụ thể nào cho bạn biết khi nào nên chốt lời hay chốt lời ở đâu là hợp lý. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu và cảm xúc của bạn.
Khi chúng ta không quá đặt nặng vấn đề phải bán ngay đỉnh hay phải lời thật nhiều trong 1 lần giao dịch mà xem đó là một quá trình và chấp nhận việc bán sớm hơn hoặc bán muộn đi là điều tất yếu trong hành trình trở thành nhà giao dịch chuyên nghiệp thì chắc chắn bạn sẽ thành công sớm thôi.
Chúc bạn có nhiều kiến thức và nếu có thắc mắc gì đừng ngại inbox qua zalo cho Phương nhé và mình rất vui nếu bạn share bài viết hữu ích này cho nhiều bạn bè của bạn biết hơn nữa.
Cảm ơn bạn nhé ^^