Cắt lỗ là một việc mà không một nhà đầu tư nào tham gia thị trường chứng khoán muốn thực hiện, thậm chí có những người còn bị ám ảnh bởi cụm từ “cắt lỗ” khiến họ rời bỏ thị trường từ cú ngã đầu tiên.
Và cho dù thế nào đây là công việc bạn sẽ phải gặp phải và buộc phải thực hiện trong quá trình đầu tư
Bởi,
Nếu không hành động kịp thời và xử lý theo đúng kế hoạch thì tài khoản của bạn sẽ dần bị bào mòn một cách chậm chậm mà nếu bạn không để ý nó sẽ quét sạch tiền của bạn đấy.
Nên đây là bài mình thực sự muốn chia sẻ một cách nghe khá xát muối vào tim bạn nhưng bạn buộc phải hiểu nguyên nhân và từ đấy đưa ra các kế hoạch “cắt lỗ” bảo vệ tài khoản của bạn.
Bài học mọi nhà đầu tư cần phải học và nằm lòng.
““Bạn đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai”, George Soros
1. Lý do nào khiến bạn phải “cắt lỗ”?
Vấn đề chính là do “ tâm lý” và “tính kỷ luật kém”
Thị trường chứng khoán chính là thị trường của tâm lý, là nơi mà các cuộc đấu trí tâm lý diễn ra hằng ngày, hằng giờ, hằng giây.
Nhiều nhà đầu tư khi bước chân vào thị trường đều tự cho mình là thiên tài, thông minh và hiểu hết đường đi nước bước của Ngài thị trường và giành chiến thắng.
Họ cố chấp với các quyết định của mình, chính vì thế mới dẫn đến những khoản thua lỗ nhỏ ban đầu 5%, 10% rồi lên đến 30% thậm chí 50% và hơn thế.
Chỉ vì “bản tính cố chấp tồn tại ở bản tính của mỗi người lớn hơn cả lý trí và thực tế” .
#. Tâm lý “chờ hồi để bán” dẫn đến cái kết tự giết chính mình.
Với mỗi khoản lỗ 5%- 7% bạn thường sẽ ít chú ý hơn cho đến khi khoảng lỗ chạm đến mức 15% thì bạn bắt đầu mới cuống lên.
Bạn chỉ cầu mong rằng “Chắc là cổ phiếu sẽ hồi, hồi lên giá vốn chắc chắn mình sẽ bán” và bạn tiếp tục cầu nguyện.
Nhưng đến khi cổ phiếu đã giảm về 30% hay hơn thế bạn vào thế bị động và không thể cắt lỗ vì
- Quá lỗ đến mức bạn không đủ dũng khí để bán nó đi
- Lỡ bán ngay đáy
Vâng,
Phần lớn những khoản thua lỗ 10% xuất phát từ khoản lỗ 5%, khoản lỗ 20% xuất phát từ khoản lỗ 10% bạn chần chừ không bán và khoản lỗ 50% là lúc bạn “tê liệt”
Tâm lý bạn sợ bán xong cổ phiếu sẽ quay đầu tăng lại, sợ bán ngay đáy… rất rất nhiều loại cảm xúc trong đầu tư.
Còn có những nhà đầu tư mình gặp phải khá là khó hiểu với những suy nghĩ kiểu:
- Lỗ 20% mình không cắt, không lẽ lại phải cắt lỗ ở mức 30%
- Hazza lỗ 30% rồi thì thôi ôm luôn vậy…
Bạn có nhìn thấy mình ở trong những tình huống trên??
Mình cá là có đấy, chính mình cũng đã từng như vậy cho nên đỉnh thị trường tháng 4/ 2018 đã cuốn đi của mình rất rất nhiều tiền.
Phuonginvestor lấy ví dụ về cổ phiếu DIG để làm case study cho bài học hôm nay nhé:
Bạn thấy đấy: mất 8 tháng để cổ phiếu đạt mức sinh lời đáng mơ ước 120%.
Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau đấy cổ phiếu đã sụt giảm kinh hoàng mức 100%. Cuốn trôi hết mọi thành quả thậm chí là âm vào vốn khiến nhiều nhà đầu tư vẫn còn ôm cục nợ đến giờ.
Một case study điển hình mà mình từng là người tư vấn anh bạn này bán đi lúc cổ phiếu giảm về hơn 20% nhưng bạn ấy vẫn bảo vệ quan điểm của mình và kết quả là:
Anh bạn này mua DIG từ vùng giá 20 (tức ngay đỉnh thị trường Tháng 4/2018) và đến giờ là 2 năm DIG vẫn chưa tăng lại.
Lý do tại sao dẫn đến khoản lỗ -40% kinh khủng vậy?
Là do bạn này quá tin vào những kiến thức mình phân tích và cố chấp không cắt lỗ bất cứ giá nào nên đến bây giờ tài khoản này đóng băng.
Khoan hẳn phân tích đến những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, mình chỉ bàn đến việc khoản đầu tư đấy đang ở trạng thái lỗ bao nhiêu
Thì rõ ràng với khoản lỗ quá lớn như vậy bạn hoàn toàn bị tê liệt vì rất khó để ra quyết định “cắt lỗ”.
Cực kì tâm lý nếu đấy là số tiền của cả đời bạn hay số tiền bạn vay mượn, còn đó chỉ là 1 phần nhỏ trong tổng tài sản của bạn thì okie bạn có thể ôm nó chờ ngày hồi phục.
Mình thì không thích kiểu đầu tư “ôm chờ thời “ vì mỗi một năm bao nhiêu sự kiện kinh tế, chính trị các chính sách nó thay đổi liên tục nên chúng ta phải là nhà đầu tư kiểu “con gián” thích nghi và linh hoạt hơn là nằm chờ thời.
Xem thêm: Tham khảo biểu đồ từ bảng giá VNDIRECT
#. Tính kỷ luật kém
Với việc lỗ 5% thì bạn cần đầu tư lãi sau đó 5.3% thì mới hoàn vốn.
Nếu số lỗ lên đến 50% thì bạn phải lãi 100% thì mới hoàn vốn.
Khi rơi vào trạng thái lỗ bạn buộc phải ra quyết định nhanh chóng dựa trên những phân tích và kế hoạch đã có sẵn trước khi bạn quyết định mua chứ không phải bị động vào thị trường ngay sau khi mua.
Bạn càng thực hiện sớm bao nhiêu thì số tiền đầu tư của bạn sẽ được bảo vệ nhiều bấy nhiêu.
“Mọi quyết định nên được quyết định dựa trên kế hoạch chứ không phải là ứng biến”.
Khi đó, cơ hội để bạn có thể sửa sai, kiếm lại số tiền đã mất sẽ nhanh hơn là việc bạn ngồi chờ giá cổ phiếu hồi phục và bán nó.
Sai lầm thứ 2 dẫn đến “cắt lỗ” chủ yếu đến từ sự thiếu kỷ luật
Lý do khiến bạn phải “cắt lỗ” phải nên đến từ chính việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư của bạn.
Trường hợp 1: Nếu bạn đang đầu cơ cổ phiếu (trading cổ phiếu) dựa trên phân tích kỹ thuật
Tất cả những gì bạn quan tâm là biến động giá của cổ phiếu, khi cổ phiếu đi sai hướng phân tích ban đầu của bạn, cắt lỗ là điều cần thiết.
Bạn phải xác định tỷ lệ Risk/ Reward (Rủi ro/ Cơ hội) của một giao dịch trước khi vào lệnh và có kế hoạch cắt lỗ như: 5% bán 50% và bán hết khi chạm lỗ 10%.
Hay chỉ chốt lỗ khi giao dịch chạm 10%… tùy cách bạn tính toán dựa vào vốn và quản trị rủi ro danh mục.
Tùy quan điểm mỗi người nhưng theo mình để đảm bảo an toàn vốn và tâm lý thoải mái cho những lần giao dịch sau tốt hơn thì với mỗi giao dịch sai chúng ta chỉ chấp nhận cắt lỗ ở mức tối đa 10%.
Vì lỗ 10%, chúng ta chỉ cần kiếm lại 11% là hòa vốn nhưng lỗ 20% chúng ta phải cần 25%… quá lâu cho việc chờ đợi một cổ phiếu tăng trở lại 25% bằng giá mình mua.
Trường hợp 2: Bạn mua cổ phiếu dựa trên những tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp (phân tích cơ bản)
Với trường hợp có nhiều người sau khi phân tích thật kỹ, quyết định mua và khi cổ phiếu giảm 7% hay 10% họ lập tức bán và tự biện minh cho mình: Mình đang bảo toàn tài sản..
Tất cả là ngụy biện cho cảm xúc yếu ớt của bạn.
Nếu cổ phiếu biến động lỗ 5%, 10% bạn phải tự đặt câu hỏi cho chính mình: Liệu rằng việc giảm này là do yếu tố ngắn hạn của thị trường hay do nội tại doanh nghiệp thay đổi.
“Mua bằng lý do nào, bán bằng lý do đấy”.
Ví dụ: Bạn đầu tư vào PNJ vì những lý do như:
- Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, hơn 300 chuỗi cửa hàng trên cả nước
- Giá vàng thế giới đang bắt đầu tăng mạnh
- Thu nhập người dân Việt Nam đang tăng lên và nhu cầu về vàng trang sức tăng trưởng trung bình 5-6% và dự đoán còn tiếp tục tăng
- ….
Rất nhiều yếu tố tốt để bạn quyết định mua nó thế nhưng vào tháng 4/2019 sự cố ERP làm PNJ giảm 10% và rất nhiều nhà đầu tư đã bán.
Và
Sau đấy cổ phiếu PNJ đã hồi phục nhanh sau đó khi sự cố được khắc phục và tăng thêm 10% nữa.
Vậy bạn đánh giá xem “sự cố ERP có làm ảnh hưởng trực tiếp và tác động dài hạn đến tăng trưởng doanh nghiệp hay không? Quan điểm đầu tư còn đúng không?”
Hay đây là một sự cố và là cơ hội để bạn mua thêm được giá chiết khấu thêm 10%.
Với những nhà đầu tư nắm giữ dài hạn họ sẽ mua thêm còn những nhà đầu tư yếu tâm lý và không hiểu rõ mình đang đầu tư cái gì sẽ nhanh chóng cắt lỗ.
Và nếu cứ cắt lỗ liên tục như vậy cũng là một cách bào mòn tài khoản bạn một cách mà bạn nghĩ “mình đang làm đúng kỷ luật”.
Kết luận: Bạn cần xác định cho mình những quan điểm và trường phái đầu tư rõ ràng
…và hãy đánh giá lại những quan điểm đầu tư của bạn mỗi kỳ (tháng/ quý tùy bạn), thay vì chỉ cắt lỗ theo cảm xúc.
2. Vậy cắt lỗ như thế nào mới hiệu quả?
Thật sự không có một công thức chuẩn nào về việc cắt lỗ vì nó phụ thuộc nhiều vào
Tính cách, độ chấp nhận rủi ro/ lợi nhuận cũng như sức chịu đựng bền bỉ với thị trường nên sẽ hình thành những cách thức đầu tư khác nhau.
Tự bạn phải xây dựng cho mình bộ quy tắc “cắt lỗ” hay quản trị rủi ro thật tốt và chỉ riêng bạn để follow theo đó.
Mình chỉ trình bày công thức của riêng bản thân mà mình áp dụng và bạn chỉ nên tham khảo
Thứ nhất, xác định quan điểm đầu tư rõ ràng ban đầu và có kế hoạch sẵn sàng cho giao dịch.
Với trường phái đầu tư theo phân tích kỹ thuật (Technical Analyst)
- Giới hạn điểm lỗ tối đa là 10% cho mỗi giao dịch và sẽ thực hiện cắt lỗ 2 lần lúc 7% bán 50% và chạm 10% bán hết.
Điều này sẽ giúp bạn tránh tình trạng tiếc nuối khi điều chỉnh chỉ là tạm thời vì bạn chỉ bán 50% và vẫn còn 50%
Và sẽ bảo toàn tài khoản cho bạn nếu đây là một giao dịch thất bại và bạn chỉ lỗ 8.5% (do bán trung bình).
- Mua theo kỹ thuật (mua breakout, mua theo tin tức…) sẽ bán bằng kỹ thuật (điểm breakout giả, tin tức phản ánh sai hoặc ngược tin) thì bạn cần “cắt lỗ” sớm khi nhận ra sai lầm của mình.
Thậm chí lúc bạn có lời một ít hoặc bạn chỉ mới lỗ 3% hay 5% nhưng quan điểm ban đầu sai, những rủi ro tiềm ẩn báo hiệu một dấu hiệu giảm giá mạnh thì nên thoát khỏi vị thế đó.
Đừng tiếc vài đồng để rồi ôm cục nợ về lâu dài.
Với trường phái đầu tư theo phân tích cơ bản (Fundamental Analysis)
- Thực hiện cắt lỗ khi những quan điểm đầu tư ban đầu không còn đúng, doanh nghiệp thay đổi nền tảng kinh doanh cốt lõi.
Tuy nhiên thực tế thì có những doanh nghiệp có sự thay đổi nhưng không hề public thông tin hoặc khó để nhận ra sự thay đổi nếu bạn không phải là người nội bộ.
Vậy để cho tâm lý bạn thoải mái thì có thể khi cổ phiếu bạn đang bị thua lỗ ở vị thế 15% bạn có thể cắt lỗ 30% danh mục đang có và tiến hành review lại nhận định đầu tư ban đầu.
Thứ hai, Bạn phải thật sự tỉnh táo và quyết định thoát khỏi vị thế một cách nhanh chóng nếu sai từ đầu.
Vì nếu một doanh nghiệp thực sự tốt rất khó để nó có thể giảm quá 15% trong điều kiện thị trường điều chỉnh nhẹ hoặc tích lũy, phải chăng có một điều gì đấy mà bạn chưa đủ thông tin để nhận ra.
Giải pháp lúc này là:
- Đánh giá lại những quan điểm đầu tư ban đầu liệu có sai trước khi thực hiện giao dịch mua.
- Liệu bạn có quá tự tin và đánh giá quá lạc quan với tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp đó trong tương lai.
- Toàn cảnh kinh tế, ngành nghề có sự thay đổi nào đáng kể không? (Ví dụ dịch Covid xuất hiện bất ngờ vào đầu năm 2020 dẫn đến tình trạng tê liệt của ngành hàng không và du lịch, vậy nếu bạn đang giữ cổ phiếu hàng không như VJC, HVN) theo mình là nên bán sớm.
Vì lúc này ngành nghề đã có sự tác động ít nhất kéo dài 1-2 năm nên việc bạn giữ vị thế chỉ làm cho khoản lỗ thêm gia tăng.
Khoản lỗ đó được xem như là một khoản bảo hiểm cho một thương vụ có thể thất bại nặng nề trên thị trường chứng khoán.
Nếu sai bạn có thể sửa sai sau đó và quan trọng nhất là phải bảo toàn vốn, còn vốn là còn có thể chiến đấu tiếp tục được.
“Trong đầu tư chứng khoán, kiếm tiền rất khó nhưng giữ được tiền lại càng khó hơn”.
Thứ ba, luôn đánh giá lại kết quả chốt lời và cắt lỗ để tránh lặp lại sai lầm
Bạn phải học cách chấp nhận rằng mình sai và cần được sửa sai nhanh chóng, không nên bảo thủ, cố chấp với những nhận định của mình.
Bởi không ai có thể đoán được Mr. Thị trường mà chỉ có thể thích nghi và rèn luyện cho mình tính kỷ luật trong giao dịch thì mới mong có được chiến thắng.
Xem thêm: 5 điều người mới cần chuẩn bị nếu muốn đầu tư chứng khoán thành công
Bí quyết để thành công và tồn tại lâu dài trên thị trường chứng khoán không phải là bạn đúng nhiều hơn sai, mà là hạn chế tối đa những tổn thất khi bạn phạm sai lầm.
Hãy viết ra giấy những nguyên tắc cắt lỗ của bạn ngay từ bây giờ để có một hướng đi đúng đắn.
Chúc bạn thành công ^^