Bảng giá chứng khoán được xem như bảng chữ cái ABC đến XYZ mà bất cứ nhà đầu tư nào khi tham gia vào thị trường chứng khoán đều phải học, hiểu và nắm rõ quy tắc hoạt động của nó.
Bảng giá chứng khoán thể hiện các thông tin liên quan đến giao dịch của cổ phiếu, chỉ số trên thị trường và là một trong những bước quan trọng trong quá trình ra quyết định đầu tư của bạn.
LỚP VỠ LÒNG BẠN CẦN HỌC GÌ?
- Các thông tin chi tiết trên 1 bảng giá chứng khoán
- Cách đọc bảng giá của từng cổ phiếu
- Cách đọc bảng giá để đánh giá tình hình thị trường chung
Bài viết này rất là cơ bản nhưng lại cực kỳ quan trọng giúp bạn nắm bắt những gì liên quan đến việc đầu tư, giúp bạn thuận tiện hơn trong quá trình giao dịch:
- Tình hình giao dịch, cung – cầu hiện tại của mã chứng khoán mà bạn quan tâm;
- Nhóm ngành ảnh hưởng đến cổ phiếu bạn đang nắm giữ
- Tình hình thị trường chung thông qua các chỉ số (Index).
Hiện nay ở Việt Nam có 2 Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) là Sở GDCK TP.Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX). Mỗi Sở GDCK sẽ có 1 Bảng giá điện tử chứng khoán (đại diện cho 2 sàn HOSE và HNX).
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng có 1 bảng giá riêng để phục vụ khách hàng của mình
Về cơ bản, các bảng giá chứng khoán về cơ bản là hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau về giao diện, cấu trúc quản lý tài sản, danh mục cổ phiếu trên bảng giá.
Hoặc có những bảng giá của nhiều công ty phát triển tích hợp rất nhiều công cụ và sản phẩm trên bảng giá.
Ví dụ: Tất cả mọi hoạt động nạp, rút tiền, giao dịch mua bán cổ phiếu, phái sinh, chứng quyền hay trái phiếu… đều thể hiện trên duy nhất 1 bảng giá.
A. Bảng giá chứng khoán có gì?
Bây giờ chúng ta sẽ đi chi tiết vào 1 Bảng giá chứng khoán để biết cách đọc nó như thế nào.
Phương sẽ lấy ví dụ Bảng giá chứng khoán trực tuyến VnDirect (hình bên dưới) là bảng giá Phương sử dụng và nhận thấy đây là bảng giá dễ nhìn về mặt giao diện và có nhiều chức năng nhất :
Tham khảo: Bảng giá Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT
# Cột “Mã CK” (Mã chứng khoán)
Là danh sách các mã chứng khoán giao dịch (được sắp xếp theo thứ tự từ A – Z hoặc Z-A hoặc bất kỳ theo tỷ lệ tăng của cổ phiếu hay tỷ lệ giảm… bạn có thể lọc tùy theo bạn mong muốn).
Mỗi công ty niêm yết đều có 1 mã chứng khoán riêng- đại diện cho công ty đó (thông thường là tên viết tắt của công ty đó).
Lưu ý: Mã CK quy định là 3 ký tự (Chữ cái và chữ số hoặc cả hai).
Muốn tìm Mã giao dịch của công ty niêm yết nào, bạn chỉ việc Nhập mã chứng khoán của công ty vào ô “Nhập mã CK”
# Cột “TC“ (Giá Tham chiếu – Màu vàng)
Là mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt như ngày chia quyền bắt buộc giá tham chiếu phải điều chỉnh).
Giá tham chiếu được lấy làm cơ sở để tính toán Giá trần và Giá sàn. Riêng sàn UPCOM, Giá tham chiếu được tính bằng Giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất.
# Cột “Trần” (Giá Trần – Màu tím)
Mức giá cao nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.
- Tại Sàn HOSE, Giá trần là mức giá tăng +7% so với Giá tham chiếu.
- Sàn HNX, Giá trần là mức giá tăng +10% so với Giá tham chiếu.
- Sàn UPCOM sẽ là mức tăng +15% so với Giá bình quân phiên giao dịch liền trước.
# Cột “Sàn” (Giá Sàn – Màu xanh lam)
Mức giá thấp nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.
- Tại sàn HOSE, Giá sàn là mức giá giảm -7% so với Giá tham chiếu;
- Sàn HNX, Giá sàn là mức giá giảm -10% so với Giá tham chiếu;
- Sàn UPCOM sẽ là mức giảm -15% so với Giá bình quân phiên giao dịch liền trước.
Bạn chỉ được phép đặt giá mua / giá bán nằm trong khoảng (giá sàn, giá trần). Nếu đặt giá ngoài biên dao động này, lệnh sẽ không được khớp.
Lưu ý:
– Màu xanh lá cây: là mức giá cao hơn Giá tham chiếu, nhưng không phải là Giá trần
– Màu đỏ: là mức giá thấp hơn Giá tham chiếu, nhưng không phải là Giá sàn
Giá trần và giá sàn tính như thế nào?
Ví dụ:
CP AAA ở sàn HOSE có giá tham chiếu là 12.25.
Khi đó giá trần là: 12.25 x (1 + 7%) = 13.1075, làm tròn là 13.1.
Giá sàn là: 12.25 x (1 – 7%) = 11.3925 làm tròn là 11.4.
# Cột “Tổng KL” (Tổng khối lượng)
Khối lượng cổ phiếu được giao dịch trong một ngày giao dịch. Cột này cho bạn biết được tính thanh khoản của cổ phiếu.
# Cột “Bên mua”
Hệ thống hiển thị 03 mức giá đặt mua tốt nhất (giá đặt mua cao nhất) và khối lượng đặt mua tương ứng. Trong đó:
- Cột “Giá 1” và “KL 1”: Biểu thị mức giá đặt mua cao nhất hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng. Lệnh đặt mua ở Giá 1 luôn được ưu tiên thực hiện trước so với những lệnh đặt mua khác.
- Cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị mức giá đặt mua cao thứ hai hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng. Lệnh đặt mua ở Giá 2 có độ ưu tiên chỉ sau lệnh đặt mua ở mức Giá 1.
Tương tự, cột “Giá 3” và “ KL 3” là lệnh đặt mua có mức độ ưu tiên sau lệnh đặt mua ở mức Giá 2.
# Cột “Bên bán”
Hệ thống hiển thị 03 mức giá chào bán tốt nhất (giá chào bán thấp nhất) và khối lượng chào bán tương ứng. Trong đó:
- Cột “Giá 1” và “KL 1”: Biểu thị mức giá chào bán thấp nhất hiện tại và khối lượng chào bán tương ứng. Lệnh chào bán ở Giá 1 luôn được ưu tiên thực hiện trước so với những lệnh chào bán khác.
- Cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị mức giá chào bán cao thứ hai hiện tại và khối lượng chào bán tương ứng. Lệnh chào bán ở Giá 2 có độ ưu tiên chỉ sau lệnh chào bán ở mức Giá 1.
- Tương tự, cột “Giá 3” và “ KL 3” là lệnh chào bán có mức độ ưu tiên sau lệnh chào bán ở mức Giá 2.
Lưu ý:
+ Ngoài 03 mức Giá mua / Giá bán trên, thị trường vẫn còn các mức Giá mua / Giá bán khác, nhưng không được hiển thị (do không tốt bằng ba mức giá trên màn hình).
+ Khi có lệnh ATO hoặc ATC, thì các lệnh này sẽ hiển thị ở vị trí cột “Giá 1” và “KL 1” của “Bên mua” và “Bên bán”
# Cột “Khớp lệnh”
Là hệ thống cột bao gồm các cột “Giá”, “KL”, “+/-“. Trong thời gian giao dịch, ý nghĩa của các cột như sau:
- Cột “Giá”: Mức giá khớp tại một thời điểm trong phiên hoặc cuối ngày
- Cột “KL” (Khối lượng khớp): Khối lượng cổ phiếu khớp tương ứng với mức giá khớp
- Cột “+/-“ (Tăng/Giảm giá): là mức thay đổi giá sao với Giá tham chiếu
# Cột “Giá”
Là hệ thống cột bao gồm các cột “Giá cao nhất”, “Giá thấp nhất” và “Giá TB”
- Giá cao nhất: Mức giá khớp cao nhất từ đầu phiên giao dịch đến thời điểm hiện tại.
- Giá thấp nhất: Mức giá khớp thấp nhất từ đầu phiên giao dịch đến thời điểm hiện tại.
–> Bạn sẽ biết được giá cổ phiếu thay đổi như thế nào trong phiên giao dịch.
10. Cột “Dư mua / Dư bán”
- Tại phiên Khớp lệnh liên tục (9h15-11h30 và 13h-14h30): Dư mua / Dư bán biểu thị khối lượng cổ phiếu đang chờ khớp.
- Kết thúc ngày giao dịch: Cột “Dư mua / Dư bán” biểu thị khối lượng cổ phiếu không được thực hiện trong ngày giao dịch
11. Cột “ĐTNN” (Đầu tư nước ngoài): Giao dịch của NĐTNN
Đây là thông tin rất quan trọng mà bạn cần quan sát trên bảng giá.
Việt Nam cũng chỉ mới hình thành hơn 20 năm, đang còn rất sơ khai nên dòng tiền từ NĐTNN sẽ ảnh hưởng rất lớn đến biến động giá cổ phiếu. Vì thế bạn nên chú ý đến hoạt động mua/bán của NĐTNN đối với cổ phiếu mà bạn đang quan sát hoặc nắm giữ.
Nếu bạn thấy cổ phiếu đó được NĐTNN mua vào với khối lượng lớn liên tục trong nhiều ngày, có vẻ đó là 1 dấu hiệu tích cực. Ngược lại, nếu NĐTNN liên tục bán, hãy cẩn thận và tìm hiểu kỹ xem điều gì đang xảy ra.
Trong bảng giá chứng khoán thì cột “ĐTNN” là khối lượng cổ phiếu được giao dịch của Nhà đầu tư nước ngoài trong ngày giao dịch (gồm 2 cột Mua và Bán)
- Cột “Mua”: Số lượng cổ phiếu Nhà đầu tư nước ngoài đặt mua.
- Cột “Bán”: Số lượng cổ phiếu Nhà đầu tư nước ngoài đặt bán.
# Dòng ngang
- Chỉ số thị trường: gồm VN-Index, VN30-Index, VNX AllShare, HNX-Index, HNX30-Index, UPCOM.
Chỉ số thị trường giúp bạn có góc nhìn tổng quan về toàn bộ thị trường. Cả thị trường đang tăng hay giảm, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch như thế nào.
Trong đó:
- Chỉ số VN-Index: là chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở GDCK Hồ Chí Minh (HOSE)
- Chỉ số VN30-Index: là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên sàn HOSE có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu, đáp ứng được tiêu chí sàng lọc
- Chỉ số VNX AllShare: là chỉ số chung thể hiện sự biến động của tất cả giá cổ phiếu đang niêm yết trên Sở GDCK Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX).
- Chỉ số HNX-Index: chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội (HNX)
- Tương tự cho các chỉ số còn lại…
2. HOSE-HNX-UPCOM là 3 sàn giao dịch tại Việt Nam
Gồm tất cả các cổ phiếu đang niêm yết trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM. Nó lọc ra cổ phiếu thuộc 3 sàn để chúng ta dễ tìm kiếm.
Trong đó còn phân nhỏ ra các mục VN30, HNX30 và giao dịch thỏa thuận
3. Bảng giá phái sinh và chứng quyền được thu nhỏ trong bảng giá chính (chứng khoán cơ sở).
4. Cơ bản cổ phiếu
Nếu bạn chọn “Bảng giá” thì nó sẽ hiển thị tất cả nội dung về giá bán, giá mua, khớp lệnh… như Phương trình bày ở trên để mình theo dõi quá trình mua bán trên thị trường.
Và khi bạn tick vào “Cơ bản” thì nó sẽ hiển thị ra đầy đủ thông tin về cổ phiếu đang nắm giữ: Thuộc sàn nào, ngành nghề kinh doanh, % khối lượng 10 phiên…
Và đương nhiên đây là “Danh mục của Phương”
Bạn hoàn toàn có thể tự thay đổi danh mục theo dõi của mình trong ô màu cam (tự bạn đặt tên cho mình dễ nhớ), chỉ nên theo dõi cổ phiếu nào mình quan tâm để đỡ bị phân tâm.
Và lưu ý nhỏ là bạn chỉ có thể tạo danh mục của riêng mình khi mở tài khoản chứng khoán tại công ty chứng khoán bạn muốn giao dịch và đăng nhập vào bảng giá để thiết kế riêng cho mình.
B. Đọc bảng giá để đánh giá thị trường chứng khoán
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Finpro, có 1.172 công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, trong đó HOSE là 325 công ty, HNX là 381 công ty và Upcom là 466 công ty.
Phần lớn các mã cổ phiếu biến động tăng/giảm cùng với biến động của thị trường. Khi thị trường chung tốt, đa số các mã cổ phiếu sẽ tăng; và ngược lại, khi thị trường chung xấu, đa số các mã cổ phiếu sẽ giảm.
Tuy nhiên càng sau này các cổ phiếu có những đặc tính và câu chuyện riêng thì càng thể hiện sự phân hóa trên thị trường.
Có những trường hợp thị trường biến động giảm nhưng có những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có câu chuyện riêng hay được hưởng lợi từ chính sách của nhà nước thì lại tăng mạnh.
Ví dụ: Trong đợt dịch covid hơn 90% các cổ phiếu giảm mạnh thì 10% còn lại tăng mạnh đi ngược thị trường là các cổ phiếu ngành dược hay các cổ phiếu ngành chi tiêu công.
Bởi đề xuất của Chính phủ về việc hỗ trợ sử dụng nguồn vốn tài trợ chi tiêu công, vì thế những cổ phiếu liên quan đến ngành như đá, vật liệu xây dựng (HPG, KSB, DHA), nhựa (PLC) đã tăng trưởng rất mạnh ngược với đánh giá tiêu cực về thị trường.
Để nắm bắt biến động thị trường trong ngắn hạn (theo ngày, giờ, phút) bạn có thể đánh giá thông qua các chỉ số thị trường (chỉ số Index). Chỉ số này được tính toán dựa trên biến động tăng/giảm giá, vốn hóa của các cổ phiếu được cho vào rổ tính toán.
Trong các chỉ số trên, thì VN-Index được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất. Bởi các mã chứng khoán trên sàn HOSE có mức vốn hóa lớn và thu hút dòng tiền mạnh từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các Quỹ lớn.
Ví dụ về chỉ số VN-Index ngày 26/8/2020:
+ VN-Index đạt 873.47 điểm, giảm 0.65 điểm (tương ứng với mức giảm 0,07% – so với mức tham chiếu của chỉ số).
+ Khối lượng cổ phiếu khớp trên sàn HOSE là 352.376.560 cổ phiếu; Giá trị giao dịch đạt 6.233.844 tỷ đồng.
+ Toàn sàn HOSE có 182 mã tăng (trong đó 15 mã tăng trần), 66 mã đứng giá (bằng giá tham chiếu) và 209 mã giảm (trong đó 6 mã giảm sàn).
Từ các thông tin trên, bạn có thể nhận định thị trường hiện tại đang giảm nhẹ. Lực mua và bán đang cân bằng mặc dù số cổ phiếu giảm nhiều hơn số cổ phiếu tăng nhưng mức độ không đáng kể.
Chỉ một phiên giao dịch bạn rất khó để đánh giá xu hướng của thị trường đang như thế nào mà buộc phải đánh giá trên 1 chuỗi ngày trước đó và kết hợp cả yếu tố khối lượng.
– Nếu số lượng mã tăng giá ít và số lượng mã giảm giá nhiều, nhưng điểm số thị trường tăng, sẽ xảy ra hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. Tức là chỉ số tăng bởi một số mã vốn hóa lớn (nhóm cổ phiếu VinGroup, VNM, SAB, bluechip..). Thị trường chung lúc này chưa thể coi là lạc quan vì sự tăng điểm nhiều khi là với mục đích “đỡ thị trường”.
– Nếu số lượng mã tăng giá nhiều, số lượng mã giảm giá ít, nhưng điểm số thị trường giảm. Thị trường chung lúc này có thể coi là đang có xu hướng tốt.
– Thị trường tăng giá, kèm theo số lượng mã tăng giá áp đảo số lượng mã giảm giá: thị trường tương đối tốt, các nhà đầu tư có thể bắt đầu mua cổ phiếu mình quan tâm.
– Thị trường giảm giá, kèm theo số lượng mã giảm giá áp đảo số lượng mã tăng giá: thị trường đang bi quan, các nhà đầu tư nên bán bớt cổ phiếu.
Thực sự để đánh giá toàn cảnh thị trường đang ở trạng thái như thế nào nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tốt và bạn cần hiểu một điểu là đọc bảng giá chứng khoán chỉ nhằm mục đích giúp bạn giao dịch mua bán cổ phiếu trong ngắn hạn và theo dõi tâm lý chung thị trường.
Xem thêm: 5 điều người mới cần chuẩn bị để đầu tư chứng khoán thành công
Còn về bản chất chúng ta đầu tư cổ phiếu, không phải đầu tư chỉ số nên phải có sự tập trung nhất định vào phân tích cổ phiếu và sự biến động chỉ số Vnindex chỉ là yếu tố giúp bạn định hình việc xác định điểm mua và bán.
Hy vọng qua bài viết chi tiết về cách sử dụng bảng giá chứng khoán này sẽ giúp các bạn có được cái nhìn dễ hơn về công việc đầu tư chứng khoán và thêm kiến thức trong việc giao dịch mua bán cổ phiếu.
Hãy chia sẻ bài viết này với những người bạn của bạn đang trên con đường học hỏi về thị trường chứng khoán nhé!